Le Auction House kể chuyện dân tộc qua những "độc bản" của nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX
Nhắc đến thế kỷ XX là phải nhắc đến hàng loạt các cột mốc nghệ thuật ở đa lĩnh vực. Mỹ thuật là một trong ba loại hình nghệ thuật tiên phong, bước ngoặt to lớn, định hình cho nền nghệ thuật Việt Nam tới ngày hôm nay. Le Auction House đã mang tới tổng cộng 168 tác phẩm chọn lọc từ nhiều giai đoạn quan trọng của mỹ thuật Việt Nam trong phiên đấu giá lần thứ 3 mang tên “Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX”.
Cuộc thay đổi cấu trúc không gian, từ mô hình làng sang đúng chất đô thị châu Âu hiện đại tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Sài Gòn…đã nảy sinh ra một lớp thị dân kiểu mới. Họ là những người đứng giữa cuộc giao thoa văn hoá cổ điển phương Đông và văn hoá hiện đại phương Tây, mang trong mình tinh thần Việt nhưng tri thức và cảm quan Pháp có phần trội hơn trong cách nghĩ, lối sống.
Một cuộc biến chuyển, từ không gian địa lý, tới không gian văn hoá, rồi đến không gian thẩm mỹ như cơn gió tràn về, len khắp ngõ phố. Khi thẩm mỹ xã hội thay đổi, nhu cầu hưởng thụ cũng cần có những phương thức phù hợp để công chúng đón nhận. Mỹ thuật ở thời kỳ này đã có bước ngoặt to lớn.
Những sinh viên trụ cột của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) những ngày đầu thành lập như Trí – Lân – Vân – Cẩn, Nghiêm – Liên – Sáng – Phái, Phổ – Thứ – Lựu – Đàm đã tạo nên mốc son cho Mỹ thuật Việt Nam.
Mặc dù được đào tạo theo đúng chương trình giảng dạy châu Âu, nghệ sĩ Việt Nam vẫn đưa được phong cách cá nhân và cảm hứng châu Á vào sản phẩm, sử dụng khá nhiều chất liệu mà không bị bó hẹp trong một chất liệu duy nhất. Đến nay, tranh Đông Dương vẫn được săn đón trên các sàn đấu giá quốc tế.
Điều này, mọi người sẽ được trải nghiệm tại phiên đấu giá lần thứ 3 mang tên “Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX” của Le Auction House.
Đây là phiên đấu giá nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ban tổ chức sẽ trưng bày triển lãm các tác phẩm trước phiên đấu từ ngày 27/10 đến hết 1/11 tại không gian nghệ thuật Aqua Art số 44 đường Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội.
Tại phiên đấu lần này, Le Auction House tiếp tục chú trọng vào chất lượng và tính đa dạng của các tác phẩm và hiện vật. Theo đó, ngược dòng thời gian trở lại buổi bình minh của thế kỷ 20 – mốc thời gian nhiều văn nghệ sĩ Pháp tới Việt Nam, phiên đấu chắt lọc tác phẩm của các tên tuổi như Joseph Inguimberty, Alix Aymé, Jean Louis Paguenaud, André Maire, Claude Lemaire…
Bên cạnh những sáng tác đến từ bộ tứ lừng danh “Phổ – Thứ – Lựu – Đàm” thì còn có các danh hoạ nổi bật khác như Nguyễn Gia Trí, Lê Quốc Lộc, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Huyến, Đỗ Đình Hiệp, Trần Phúc Duyên, Phạm Thúc Chương, Trịnh Hữu Ngọc, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái…
Xuôi theo dòng chảy lịch sử mỹ thuật, Le Auction House giới thiệu tới công chúng các tác phẩm của Trần Lưu Hậu, Lê Huy Hoà, Lưu Công Nhân, Nguyễn Trọng Kiệm, Trần Đông Lương, Mai Long, Linh Chi… những học trò xuất thân từ Khoá Kháng chiến với các sáng tác bình dị nhưng chan chứa tinh thần thời cuộc. Ngoài ra, trong phiên đấu cũng có sự góp mặt của các tác phẩm hội họa từ Lê Công Thành, một đại diện tốt nghiệp khóa Tô Ngọc Vân (1955 – 1957).
Ở khu vực phía Trung Nam, phiên đấu “Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20” đưa đến tác phẩm của họa sĩ Tôn Thất Đào, Tôn Thất Văn, Lê Bá Đảng cùng các sáng tác của Tú Duyên, Nguyên Khai, Hồ Hữu Thủ, Trần Văn Hà, Lê Thy và nhiều tên tuổi nổi bật khác.
Tại phiên đấu, sự xuất hiện của các sáng tác đương đại Việt cũng được Le Auction House chọn lọc kỹ lưỡng để giới thiệu tới giới mộ điệu. Như một sự tiếp nối trên chặng đường phát triển của mỹ thuật nước nhà, các tác phẩm của Bùi Tuấn Thanh, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Phạm Hà Hải, Đoàn Xuân Tặng, Bùi Văn Tuất, Vũ Quang Hưng, Nguyễn Ngọc Anh… sẽ mang đến những hòa sắc rất riêng.
Với Le Auction House, đây là một phiên đấu trải rộng cả về độ đa dạng tác phẩm không chỉ ở mỗi giai đoạn quan trọng của lịch sử mỹ thuật Việt mà còn lựa chọn các sáng tác ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam với mức giá ước tính phù hợp và dễ tiếp cận với nhiều nhóm nhà sưu tập. Dù các phiên đấu được tổ chức và lên lịch thường xuyên trong năm, nhưng mỗi sự kiện lại mang đến một phát hiện mới. Đây chính là một minh chứng của sự trù phú và còn nhiều tiềm năng để khai phá của hội họa nước nhà.