Tin địa phương

Ngành công nghiệp không khói cùng xứ Thanh “cất cánh”

Nguyễn Sự 01/11/2024 06:36

Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với những lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan, lịch sử, văn hóa, ẩm thực, Thanh Hóa hội tụ đủ tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp không khói, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong những năm gần đây, du lịch Thanh Hóa đã có sự phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng tích cực và luôn đứng trong top đầu cả nước về thu hút khách du lịch.

du_lich_thanh_hoa.jpg
Theo Quy hoạch, đến năm 2030, Thanh Hóa cùng với Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ trở thành 1 trong 6 khu vực động lực phát triển du lịch của Việt Nam.

Tiềm năng du lịch xứ Thanh

Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hóa đặc sắc. Thanh Hóa hiện có tới trên 1.500 di tích lịch sử, văn hóa với nhiều loại hình khác nhau, nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, ghi đậm dấu ấn lịch sử của các thời đại, trong đó có 851 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, gồm: 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh.

Điển hình như, Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, quần thể di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, đền Độc Cước, thắng cảnh Sầm Sơn,...

du_lich_thanh_hoa2.jpg
Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.

Cùng với đó, Thanh Hóa có hàng nghìn di sản văn hóa phi vật thể là các lễ hội, tín ngưỡng, nghệ thuật diễn xướng dân gian, văn học nghệ thuật... được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Với hơn 100km bờ biển, thiên nhiên đã ban tặng cho Thanh Hóa khá nhiều bãi biển đẹp, thơ mộng với những bãi cát trải dài như: bãi biển Sầm Sơn, khu bờ biển xã Hải Hòa, Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa),...

Cùng với hệ sinh thái biển, Thanh Hóa còn là nơi có nhiều hang động và các địa danh, di sản thiên nhiên độc đáo, như: Hang Con Moong, động Trường Lâm, động Tiên Sơn, hang Từ Thức, thác Ma Hao, thác Bảy tầng, vườn quốc gia Bến En, khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên...

du_lich_thanh_hoa8.jpg
Thác Ma Hao (thuộc bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) được người dân ví như nàng tiên ngủ quên giữa núi rừng.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn là nơi hội tụ không gian văn hóa đa sắc màu của 7 dân tộc anh em, gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú, với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Với những lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan, lịch sử đến văn hóa, ẩm thực… Thanh Hóa hội tụ đầy đủ tiềm năng phát triển ngành công nghiệp không khói, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước.

Đầu tư hạ tầng, “chắp cánh” cho du lịch phát triển bền vững

Với định hướng phát triển “ngành công nghiệp không khói” thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm qua, Thanh Hóa đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 20253 ; Kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 – 20254. Đến nay, có 190 dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích được thống nhất, phê duyệt chủ trương đầu tư; một số dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích cơ bản đã được hoàn thành và đang phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch, góp phần hoàn thiện, tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch văn hoá, ngày càng thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu, tham quan.

du_lich_thanh_hoa3.jpg
Lễ hội Đền Bà Triệu.

Từ năm 2021 đến nay, có 39 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch được cấp vốn triển khai, trong đó đã có 16 dự án hoàn thành. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Thanh Hóa có 70 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Một số dự án có quy mô lớn đã hoàn thành hoặc khởi công mới, có giá trị kết nối các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến với các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh.

Thanh Hóa đã đa dạng hóa cách thức kêu gọi đầu tư và đến nay trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 81 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư khoảng 153.000 tỷ đồng. Trong đó, có những dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao, hướng đến đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước thuộc phân khúc cao cấp đã và đang được triển khai như: Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội (TP. Sầm Sơn), Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En (huyện Như Thanh), Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên (huyện Quảng Xương) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời; Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương) của Công ty Cổ phần ORG; Dự án Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường và Dự án Flamingo Linh Trường Khu B (huyện Hoằng Hóa) của Công ty Cổ phần Flamingo Holding Group.

du_lich_thanh_hoa4.jpg
Quảng trường biển Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, đơn vị trong nước, nhằm tăng cường sự phối hợp, gắn kết, hỗ trợ, hợp tác, cùng nhau đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giới thiệu, chào bán các sản phẩm tour, tuyến du lịch.

Đặc biệt, với phân khúc thị trường quốc tế, tỉnh Thanh Hoá đã đi thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại các nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New zealand, Thái Lan, Đài Loan, Singapore…

Đa dạng sản phẩm du lịch mang thương hiệu xứ Thanh

Trong những năm qua, các sản phẩm du lịch ở Thanh Hóa được tập trung đầu tư, nâng cấp, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, từng bước hình thành những sản phẩm du lịch cao cấp, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng và nhiều sản phẩm du lịch khác có giá trị cao, đặc thù, độc đáo, mới lạ, góp phần gia tăng trải nghiệm, tạo sự ấn tượng, hấp dẫn du khách.

Trong đó, sản phẩm du lịch biển được xác định là thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa. Du lịch biển xứ Thanh đã tạo dựng được thương hiệu nổi bật tại khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, trở thành sản phẩm có quy mô, sức cạnh tranh, khả năng thu hút khách, đặc biệt loại hình du lịch golf tại khu nghỉ dưỡng biển cao cấp 5 sao FLC Sầm Sơn, công viên nước Sunworld và tổ hợp dịch vụ Flamingo Linh Trường, góp phần thu hút lượng khách du lịch có mức chi trả cao.

du_lich_thanh_hoa5.jpg
Biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Cùng với đó, sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh cũng được chú trọng phát huy giá trị. Nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức quy mô, bài bản, chuyên nghiệp, cùng với các loại hình văn hoá phi vật thể, sản phẩm văn hoá dân gian, trò chơi, các làng nghề truyền thống, trò diễn, các loại hình nghệ thuật truyền thống đã được khôi phục, duy trì, góp phần nâng cao chất lượng, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch văn hóa.

Sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng đang chứng minh được sức hút đối với du khách, dần khẳng định là sản phẩm thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Nhiều hoạt động leo núi, cắm trại, các hoạt động tìm hiểu đa dạng sinh học, khám phá thiên nhiên tại các vườn quốc gia được tổ chức; các trò chơi dân gian; trình diễn trang phục dân tộc, cùng với lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số; các sự kiện văn hoá, thể thao như: Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao; tour du lịch mạo hiểm và giải thể thao Marathon băng rừng, hội chợ thương mại và du lịch miền Tây…. ngày càng được du khách trong nước và quốc tế đón nhận, đánh giá cao.

du_lich_thanh_hoa6.jpg
Vẻ đẹp nguyên sơ thơ mộng của vùng đất Pù Luông.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch đã tích cực, chủ động hoàn thiện và đưa vào vận hành, khai thác nhiều sản phẩm mới, như: Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng); du lịch nghề, làng nghề truyền thống; phát triển trang trại nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch; tuyến du lịch đường thủy trên biển; trải nghiệm đồng quê, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Điểm nhấn là khai trương phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hoá Quảng trường Lam Sơn; tổ chức Tuần Văn hoá Du lịch Điện Biên - Thanh Hoá; Tuần văn hóa thành phố Thanh Hóa – thành phố Hội An, lễ hội khinh khí cầu (thành phố Thanh Hóa)…; các sản phẩm du lịch mới bước đầu thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch, góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch, đem lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách khi đến Thanh Hoá.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong những năm gần đây, ngành du lịch của Thanh Hóa luôn đạt tốc độ tăng trưởng tích cực và đứng trong top đầu của cả nước về thu hút lượng khách du lịch. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 đến hết năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa ước đón được trên 42,2 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,2%/năm. Tổng thu du lịch ước đạt 83.386 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 34,3%/năm.

Riêng 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón 14.454 nghìn lượt khách, tăng 19,6% so với cùng kỳ 2023, đạt 104,7% kế hoạch năm 2024. Tổng thu du lịch đạt 31.935,5 tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ 2023.

Trong năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, Thanh Hoá xếp thứ 4 so với cả nước về thu hút lượt khách du lịch (sau Thành phố Hồ Chí Minh; Hà Nội, Quảng Ninh), xếp thứ 5 về tổng thu du lịch (sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hoà, Quảng Ninh).

du_lich_thanh_hoa1(1).jpg
Sản phẩm du lịch biển là thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa.

Trong giai đoạn tới (2026 – 2030), trước tiềm năng và lợi thế sẵn có, tỉnh Thanh Hóa tập trung phát triển ba loại hình du lịch mũi nhọn gồm du lịch biển gắn với khám phá biển đảo; du lịch sinh thái - cộng đồng; du lịch tìm hiểu văn hoá, lịch sử; phát triển du lịch bốn mùa, đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn và trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, lập, bổ sung, điều chỉnh, gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch các khu, điểm du lịch phù hợp với Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư các dự án du lịch, hạ tầng du lịch nhằm phát triển đột phá ngành du lịch của tỉnh. Hướng đến đa dạng hoá sản phẩm du lịch chất lượng cao, có chiều sâu để gia tăng giá trị cho từng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm được xác định là có thế mạnh của tỉnh (sản phẩm du lịch biển; sản phẩm du lịch di sản văn hóa, tâm linh;sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng).

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng mở rộng và phát triển thị trường khách, đặc biệt là thị trường khách du lịch quốc tế; tăng cường phối hợp, hợp tác với các kênh truyền hình quốc tế CNN, BBC... để tạo hiệu quả lớn hơn trong việc thu hút khách quốc tế; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch; quan tâm phát triển du lịch thông minh. Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; bảo vệ môi trường du lịch, an ninh, trật tự an xã hội;…

Nguyễn Sự