Tiêu điểm

Sơ kết 05 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa TAND cấp cao và VKSND cấp cao tại TP.HCM

Quang Trung 31/10/2024 - 17:44

Sau 05 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa VKSND cấp cao và TAND cấp cao tại TP.HCM, đã góp phần quan trọng trong việc thức đẩy công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để hai đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngày 31/10, tại TAND cấp cao tại TP.HCM, hai đơn vị tổ chức Hội nghị sơ kết để kiểm điểm, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó đề ra nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện công tác phối hợp trong thời gian tới.

Đến dự hội nghị có ông Trần Thanh Hoàng, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM; ông Lê Đức Xuân, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM; các Phó Chánh án, Phó Viện trưởng, Thẩm phán, Kiểm sát viên, lãnh đạo các đơn vị thuộc TAND cấp cao và VKSND cấp cao tại TP.HCM.

img_9095(1).jpg
Viện trưởng VKSND cấp cao và Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM chủ trì Hội nghị

Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Hoàng, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM cho biết, Quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan được ký kết ngày 13/9/2019. Qua 5 năm triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hai cơ quan triển khai sâu rộng trong toàn đơn vị, phối hợp tốt việc chuyển hồ sơ nghiên cứu; tổ chức xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; cung cấp tài liệu, chứng cứ bổ sung; giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; gửi bản án, quyết định và các văn bản tố tụng khác kịp thời; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa trực tuyến, đặc biệt phối hợp giải quyết các vụ án hình sự trọng điểm, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, các vụ án thuộc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

img_9084(1).jpg
Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM Trần Thanh Hoàng phát biểu tại Hội nghị

Nhìn chung, công tác phối hợp giữa hai cơ quan được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo các mục tiêu đề ra, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, kết quả đạt được góp phần quan trọng và hiệu quả công tác của hai cơ quan.

Tuy nhiên, trong công tác phối hợp vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Hội nghị sẽ đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao công tác phối hợp trong thời gian tới.

lam-quang-trung-pho-vt.jpg
Ông Lâm Quang Trường, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM phát biểu

Theo báo cáo sơ kết, sau 5 năm thực hiện Quy chế, hai đơn vị đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, phối hợp trong việc chuyển hồ sơ vụ việc để nghiên cứu, xét xử: TAND cấp cao chuyển VKSND cấp cao để nghiên cứu là 14.311 hồ sơ, trong đó 13.590 hồ sơ phúc thẩm và 721 hồ sơ do Tòa kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. VKSND cấp cao ban hành kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và chuyển TAND cấp cao để xét xử là 1.588 vụ.

img_9099(1).jpg
Ông Nguyễn Thi Sỹ, Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra 2 TAND cấp cao tại TP.HCM phát biểu tham luận

Tổng số hồ sơ án hình sự TAND cấp cao tuyên hủy án để điều tra lại trong kỳ là 244 vụ. Việc phối hợp bàn giao, kiểm đếm hồ sơ, bút lục giữa hai cơ quan cơ bản được thực hiện tốt. Hồ sơ vụ việc được các bên quản lý chặt chẽ, chuyển giao đúng thời gian theo quy định.

Về công tác phối hợp trong việc xét xử, TAND cấp cao đưa ra giải quyết phúc thẩm 14.399 vụ án; giám đốc thẩm, tái thẩm 2.490 vụ. Số vụ đã lên lịch xét xử TAND cấp cao gửi VKSND cấp cao 6.250 vụ, gồm xét xử phúc thẩm 14.399 vụ; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm 2.490 vụ. TAND cấp cao đã thực hiện lên lịch xét xử đảm bảo đúng quy định. Bộ phận tham mưu, tổng hợp của hai cơ quan kịp thời trao đổi, thông tin cho nhau về lịch mở phiên tòa, phiên họp qua thư điện tử. Sau đó, lịch mở phiên tòa, phiên họp sẽ gửi theo đường công văn đến sau. Đối với các trường hợp hoãn phiên tòa, phiên họp, thay đổi người tiến hành tố tụng, hai cơ quan đã thông báo đầy đủ bằng văn bản theo quy định.

img_9100(1).jpg
Ông Hà Huy Cầu, đại diện Tòa Kinh tế TAND cấp cao tại Tp.HCM trình bày tham luận

Phối hợp trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ thu thập bổ sung, sau khi TAND cấp cao chuyển hồ sơ vụ việc cho VKSND cấp cao để nghiên cứu, nếu có những vụ việc mà TAND cấp cao thu thập chứng cứ bổ sung hoặc đương sự cung cấp tài liệu chứng cứ bổ sung thì TAND cấp cao đã kịp thời thông báo và chuyển cho VKSND cấp cao bản sao tài liệu, chứng cứ trước khi mở phiên tòa, phiên họp. Những tài liệu, chứng cứ thu thập được VKSND cấp cao thực hiện đánh bút lục và chuyển cho TAND cấp cao đưa vào hồ sơ chính để xem xét, giải quyết theo quy định.

Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự trọng điểm, hai đơn vị đã chủ động phối hợp trong trong công tác chuẩn bị và tổ chức phiên tòa, kịp thời trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết nhằm đảm bảo đưa ra các vụ án ra xét xử kịp thời, đúng quy định pháp luật.

img_9104(1).jpg
Bà Hồ Thị Diệu Thúy, Phó trưởng Phòng Hành chính - Tư pháp TAND cấp cao tại TP.HCM phát biểu

Phối hợp trong việc giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tổng số đơn/việc đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm VKSND cấp cao giải quyết là 19.514 đơn/13.191 việc. Tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm TAND cấp cao giải quyết là 11.498 đơn. Bên cạnh đó, các thông báo trả lời không có căn cứ kháng nghị được hai cơ quan gửi cho nhau, tạo điều kiện để các bên tổ chức phân loại, đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn.

img_9115qq(1).jpg
Lãnh đạo TAND cấp cao và VKSND cấp cao tại TP.HCM chụp ảnh lưu niệm

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quy chế phối hợp, đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, hai cơ quan có trụ sở làm việc cách xa nhau nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc phối hợp, nhất là trong việc chuyển giao hồ sơ, tài liệu và phối hợp trong việc theo dõi, đôn đốc về thời hạn chuẩn bị xét xử. Nhiều vụ án bị hoãn, nghị án kéo dài nên ảnh hưởng đến việc phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp của VKSND cấp cao.

Mặc khác, tại khoản 3 Điều 13 Quy chế phối hợp quy định trường hợp hai cơ quan cùng thụ lý đơn đề nghị, văn bản thông báo, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với 01 bản án, quyết định, nếu một bên đã rút được hồ sơ vụ việc để nghiên cứu thì bên còn lại chuyển toàn bộ đơn đề nghị, văn bản thông báo, kiến nghị và tài liệu kèm theo cho bên kia nghiên cứu giải quyết.

Đồng thời, có văn bản thông báo cho các cá nhân, cơ quan đã đề nghi, thông báo, kiến nghị biết. Trên thực tế trong thời gian qua có một số trường hợp TAND cấp cao chuyển hồ sơ đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng VKSND cấp cao đã giải quyết hồ sơ đơn của đương sự xong trước đó.

img_9118.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Trong thời gian tới, hai đơn vị tiếp tục phát huy những mặt tích cực, đưa ra giải pháp khắc phục những hạn chế. Tăng cường phối hợp hơn nữa trong công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Tiếp tục phối hợp tốt trong việc giao nhận hồ sơ vụ việc, văn bản tố tụng và các tài liệu, chứng cứ giữa hai cơ quan; Phối hợp tốt trong việc phân công lịch xét xử, nhất là các vụ án phúc thẩm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày các tham luận và ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Quy chế.

img_9111(1).jpg
Ông Lê Đức Xuân, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM phát biểu bế mạc

Phát biểu bế mạc, ông Lê Đức Xuân, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM đánh giá, những tham luận, ý kiến của các đại biểu tại hội nghị rất thẳng thắn, trách nhiệm. Quy chế đã giúp cho hai đơn vị giải quyết rất nhiều vấn đề mà pháp luật quy định chưa rõ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quy chế phối hợp đã bộc lộ một số hạn chế. Trong thời gian tới, hai đơn vị tiếp tục phát huy những mặt tích cực, khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, cần tạo mối quan hệ gần gũi hơn, cùng hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Quang Trung