Sức mạnh khủng khiếp của 3 loại tên lửa Nga vừa phóng trong cuộc tập trận hạt nhân
Lực lượng Vũ trang Nga vừa tiến hành các cuộc tập trận răn đe chiến lược quy mô lớn từ ngày 29/10, bao gồm việc phóng nhiều tên lửa đạn đạo liên lục địa để mô phỏng các cuộc tấn công vào các đối thủ tiềm tàng.
Các cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với khối phương Tây, khi các quốc gia này xem xét thực hiện các cuộc tấn công phối hợp từ lãnh thổ Ukraine nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận, sử dụng các loại tên lửa như Storm Shadow, SCALP và ATACMs.
Khả năng can thiệp quân sự quy mô lớn do châu Âu dẫn đầu ở Ukraine làm dấy lên nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Dù lực lượng mặt đất của Nga đã được hiện đại và củng cố đáng kể từ đầu năm 2022 nhưng Nga vẫn bị thua kém về khả năng tác chiến của không quân chiến thuật và hải quân mặt nước so với lực lượng tổng hợp của NATO.
Điều này khiến Moscow đặc biệt quan tâm đến năng lực răn đe hạt nhân của mình nhằm giữ được thế cân bằng với khối phương Tây.
Có thể thấy tầm quan trọng của các cuộc tập trận khi Tổng thống Nga Vladimir Putin, người cũng là Tổng Tư lệnh tối cao đã đích thân tham gia vào các cuộc diễn tập của lực lượng hạt nhân chiến lược.
Các cảnh quay do Bộ Quốc phòng Nga công bố đã xác nhận việc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa RSM-56 Bulava từ tàu ngầm tại biển Okhotsk gần Nhật Bản.
Loại tên lửa mới này được đưa vào hoạt động năm 2018 và được triển khai từ lớp tàu ngầm chiến lược chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện đại nhất của Nga là lớp Borei.
Mỗi tên lửa có khả năng mang tối đa 1,5 megaton lực nổ hạt nhân, được chia thành tối đa mười đầu đạn, tương đương khoảng 100 lần sức mạnh hạt nhân của quả bom mà Hoa Kỳ sử dụng tại Hiroshima năm 1945.
Hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Nga được chia đều cho các hạm đội Bắc Cực và Thái Bình Dương, với phần lớn tàu được triển khai ở hạm đội trước.
Số lượng tàu ngầm lớp Borei hiện nay là tám chiếc và dự kiến sẽ được mở rộng lên mười bốn chiếc, nhờ vào hiệu suất của lớp tàu này đã khiến quy mô hạm đội được tăng thêm 40%.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó đã công bố thêm cảnh quay cho thấy việc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa R-29RMU Sineva từ tàu ngầm, một loại tên lửa nhỏ hơn và có tầm bắn ngắn hơn so với Bulava, bắt đầu được đưa vào hoạt động từ năm 2007.
Vụ phóng được thực hiện từ biển Barents. Loại tên lửa nhỏ này được phát triển để có thể phù hợp với các tàu ngầm cũ và nhỏ hơn được thiết kế từ thời Liên Xô thuộc lớp Delta IV. Dù có tầm bắn tương đương với Bulava nhưng Sineva chỉ có thể mang bốn đầu đạn hạt nhân.
Lực lượng Vũ trang Nga tiếp tục phóng thêm một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa thứ ba là RS-24 Yars, được phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk, cách Moscow khoảng 800 km về phía Bắc.
Hệ thống này hiện là xương sống của lực lượng hạt nhân chiến lược trên bộ của Nga, với một nửa trong số tất cả các trung đoàn ICBM trên mặt đất đã được tái trang bị tên lửa Yars tính đến giữa năm 2021, tổng cộng hơn 180 ICBM.
Yars là một biến thể nhẹ của các loại tên lửa lớn hơn như R-36 và RS-28 Sarmat trong các hầm phóng, có kích thước lớn gấp bốn lần.
Khoảng 90% tên lửa Yars là loại di động trên đường, mỗi tên lửa có thể mang ba đầu đạn hạt nhân với sức mạnh 200 kiloton mỗi đầu.