Đời sống

Kiến tạo nền nông nghiệp để hơn 5 triệu ha đất 'vùng Tây Nguyên cất cánh, phát triển'

Trần Sỹ 31/10/2024 - 11:31

Vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của cả nước.

Phát triển Tây Nguyên nhanh, toàn diện và bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng.

Trên 5 triệu ha đất nông nghiệp giàu tiềm năng

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của cả nước. Hiện, khu vực này có trên 5 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm 91,75% diện tích tự nhiên), được xem là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước với các loại cây trồng chủ lực như: Cà phê trên 668,5 nghìn ha; cao su 228 nghìn ha; hồ tiêu 77,6 nghìn ha; sầu riêng 75,5 nghìn ha; chanh leo 6,7 nghìn ha. Cùng với đó, khu vực Tây Nguyên hiện có trên 4 triệu con gia súc, 30 triệu con gia cầm; khai thác trên 700 ngàn m3 gỗ rừng trồng/năm…

Trong những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp khu vực Tây Nguyên tăng trưởng giá trị sản xuất khoảng 5%/năm; xuất khẩu nông sản năm 2023 đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng 28,91% so với năm 2022.

W_hn.gl.jpg
Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khu vực Tây Nguyên tại điểm cầu Gia Lai

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khu vực Tây Nguyên diễn ra vào ngày 30/10 dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Minh Hoan-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội và hình thức trực tuyến tại điểm cầu Gia Lai với sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên, cùng hơn 100 nhà đầu tư, doanh nghiệp và hợp tác xã các tỉnh trong khu vực, rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, gợi mở để Vùng Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững đã được nêu ra.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, toàn diện và bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.

Khi các nhà đầu tư khi đến với Tây Nguyên, không chỉ đơn thuần góp phần phát triển kinh tế địa phương, mà còn là câu chuyện mang tư duy của doanh nghiệp đến cho địa phương. Lúc này, các nhà đầu tư nên là nhà cố vấn, gợi mở ra một không gian giá trị mới cho Tây Nguyên không chỉ lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp.

W_z5984747445718_19ed8de5bd444b1fce3ee85d26f593cd.jpg
Sầu riêng đang là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Tây Nguyên.

“Ý tưởng của doanh nghiệp có thể gợi mở không gian giá trị cho Tây Nguyên phát triển nền nông nghiệp đa giá trị, cũng như thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh và bền vững. Do đó, các địa phương cần ngồi lại với nhà đầu tư để đánh giá, đề xuất gỡ vướng về thể thế, chính sách, nhằm phát triển hệ sinh thái nông nghiệp; trong đó, cần giải được bài toán sự cản trở của các tỉnh Tây Nguyên về thể chế, chính sách, cũng như tháo gỡ vướng mắc trong câu chuyện xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên. Rồi vấn đề chuyển đổi các mô hình, gỡ nút thắt về đất đai cho các doanh nghiệp lâm nghiệp, câu chuyện liên kết vùng Tây Nguyên, lúc đó mới gợi mở và có giải pháp phù hợp, định hướng phát triển nông nghiệp cho các tỉnh vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới, giai đoạn mới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

W_z5984747539094_be3c9145dcb017aaeca3b0ab048b9811.jpg
Ngoài cây Cà phê và Sầu riêng, Cao su thì Chanh dây cũng đang được bà con nhân trên trồng nhiều.

Ông Nguyễn Trung Đông-Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT thông tin, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa IX nền kinh tế Tây Nguyên đã có sự phát triển nhanh, bền vững. Quy mô kinh tế vùng tăng trưởng nhanh chóng, năm 2020 gấp 14 lần so với năm 2002. Vì vậy, Tây Nguyên đang ngày càng khẳng định vị thế là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước.

Liên kết chặt chẽ để hướng đến nền nông nghiệp bền vững, có sức cạnh tranh

Theo ông Vũ Mạnh Hùng-Trưởng ban công tác kết nối Tiểu ban Nông nghiệp thực phẩm EuroCham, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết: Hiện nay, lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao không chỉ là đầu tư vào cơ sở vật chất mà còn là xây dựng một chuỗi giá trị bền vững, liên kết từ cung ứng đầu vào đến thị trường tiêu thụ đầu ra.

Cùng với đó, ông Vũ Mạnh Hùng cũng nêu lên thực trạng hàng năm, Việt Nam cần khoảng 10 tỉ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể chủ động xây dựng được các vùng nguyên liệu. Vấn đề đặt ra ở đây là cần chú trọng lao động có kỹ năng cao để hướng đến nền nông nghiệp bền vững, có sức cạnh tranh.

W_z5984743786676_8c45eac115d49f717b77167cde7d81fd.jpg
Những năm qua, cây Cà phê luôn được người dân quan tâm, đầu tư chăm sóc và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai.

Trong mấy năm trở lại đây, Tập đoàn Hùng Nhơn đã tập trung phát triển liên kết chuỗi cùng với Tập đoàn De Heus (Hà Lan), Bel Gà (Bỉ), Olmix (Pháp) sản xuất khép kín tuần hoàn. Hiện, Công ty có nhiều dự án đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động như tại Đắk Lắk dự án DHN với diện tích 200 ha, vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng; Tại Gia Lai dự án DHN với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng đang đầu tư; Tại Lâm Đồng, đơn vị đã có ba dự án chăn nuôi gà với tổng quy mô 30 ha, vốn đầu tư gần 350 tỉ đồng.

Về phía đại diện chính quyền Gia Lai, ông Dương Mah Tiệp-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh Gia Lai nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên hơn 15 ngàn km2, lớn nhất khu vực và lớn thứ 2 cả nước, nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Với vị thế là cửa ngõ của khu vực, tỉnh Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ.

Những năm vừa qua, hạ tầng giao thông của Gia Lai được đầu tư đồng bộ, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh Gia Lai với nhiều địa phương trong cả nước, cũng như quốc tế, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và doanh nhân.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai hơn 845.000 ha, trong đó chủ yếu là đất đỏ bazan - loại đất rất thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng yêu cầu độ phì cao, đặc biệt là phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Hồ tiêu, cà phê, cao su, mía, sắn, cây dược liệu, cây ăn trái, cỏ chăn nuôi,...Tổng trữ lượng nước mặt của Gia Lai khoảng 23 tỷ m3 phân bố trên các hệ thống sông chính là hệ thống sông Ba, hệ thống sông Sê San và phụ lưu hệ thống sông Sêrêpok.

W_pct-gl.jpg
Theo ông Dương Mah Tiệp-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, địa phương này có điều kiện rất tốt để các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với tỉnh.

Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp-thương mại, nhất là công nghiệp chế biến. Hiện nay, tỉnh Gia Lai quy hoạch 31 cụm công nghiệp, trong đó có 13 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh thành lập, nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: cà phê, cao su, mía, sắn, các loại cây ăn quả... tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với tỉnh Gia Lai.

“Những điều kiện thuận lợi này đang từng bước được tỉnh Gia Lai phát huy hiệu quả, mở ra “cánh cửa” để tỉnh chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào 3 lĩnh vực thế mạnh là: Nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp. Đây cũng chính là 3 lĩnh vực trụ cột được đề ra trong Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới “Xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào – Campuchia” theo đúng mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30/12/2023”, ông Dương Mah Tiệp nhấn mạnh.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp, Nhân dân trên địa bàn, nền kinh tế khu vực Tây Nguyên nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng sẽ ngày càng phát triển, trở thành một trong những vùng động lực phát triển nông nghiệp của cả nước.

Trần Sỹ