Pháp luật

Đại biểu Quốc hội "sốt ruột" vì vật chứng xuống cấp trong quá trình xử lý vụ án

Duy Tuấn 30/10/2024 - 22:02

Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) đề nghị, Nghị quyết không chỉ giới hạn xử lý ở các vụ án tham nhũng mà nên mở rộng phạm vi áp dụng.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Thiết bị y tế 40 tỷ bị kê biên sau đó bỏ không

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính- Đoàn ĐBQH Tp Hà Nội- nguyên Chánh án TAND Hà Nội đề xuất sớm ban hành nghị quyết, "bởi quy định hiện hành vô cùng bất cập, gây bất lợi cho bị cáo, bị hại".

chinh1.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính- Đoàn ĐBQH Tp Hà Nội.

Nguyên Chánh án TAND Hà Nội dẫn chứng vụ án liên quan đến cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, trong đó có số thiết bị y tế trị giá 40 tỷ đồng bị phong tỏa kê biên. Nhưng sau xử lý vụ án, điều chuyển cho bệnh viện khác cũng không ai dám nhận nên phải bỏ không.

"Có những vụ án có máy móc để vài năm thành sắt vụn", ông Nguyễn Hữu Chính nói và cho rằng không chỉ giới hạn xử lý ở các vụ án tham nhũng mà nên mở rộng phạm vi.

daohaitrung.jpg
Đại biểu Nguyễn Hải Trung- Đoàn ĐBQH Tp Hà Nội.

Theo quy định, khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra có quyền phong tỏa, kê biên tài sản. Song, theo ông Chính, cơ quan cuối cùng giải quyết số tài sản này lại là do tòa án, thời gian rất lâu, thông thường kéo dài 1 - 2 năm gây hư hỏng vật chứng.

Cân nhắc bổ sung tiêu chí về loại tội phạm

Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Hải Trung- Đoàn ĐBQH Tp Hà Nội- Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, thực tế cơ quan công an đang phải quản lý số lượng vật chứng tài sản rất lớn, rất lãng phí, trong khi có những tài sản để lâu quá mất giá trị.

“Chủ phương tiện không để ý là coi như bỏ luôn. Thanh lý thì không thanh lý được, cứ phải ngồi giữ khư khư”- ông Trung nêu thực tế.

Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, vấn đề trên gây lãng phí như tài sản hao mòn mất giá trị và phải có kho chứa vật chứng. Ngoài ra, việc bố trí người trông coi vật chứng cũng gây ra lãng phí.

Ông Trung đề nghị mở rộng phạm vi về việc này. “Thực tế hiện nay rất khó khăn, bất cập nên ban hành văn bản này là cần thiết. Nhưng phạm vi điều chỉnh quá hẹp, chỉ các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo dõi chỉ đạo".

tamhung.jpg
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tương tự, Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, Điều 1 dự thảo Nghị quyết giới hạn phạm vi áp dụng thí điểm vào các giai đoạn từ khởi tố đến xét xử đối với những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Đây là bước đầu cần thiết để xử lý nhanh chóng, hiệu quả những vụ việc có tính chất phức tạp.

Tuy nhiên, để các cơ quan thực thi có căn cứ áp dụng nhất quán, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung tiêu chí về loại tội phạm cụ thể, đặc biệt là các tội phạm kinh tế và tham nhũng có tính nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Quy định này giúp định hướng rõ ràng và phù hợp với thực tiễn xử lý các vụ án có quy mô lớn và mức độ ảnh hưởng cao.

Duy Tuấn