Vụ án liên quan nguyên Phó Bí thư tỉnh đoàn Yên Bái: TAND cấp cao tuyên hủy bản án sơ thẩm
Kết thúc phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến Đinh Tiến Hùng, nguyên Phó Bí thư tỉnh đoàn Yên Bái, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ, giao cho VKSND tỉnh Yên Bái điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.
Sau 2 ngày xét xử phúc thẩm vụ án (29, 30/10/2024) liên quan ông Đinh Tiến Hùng – nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, chiều 30/10, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm đối với các bị cáo kháng cáo cũng như các nội dung kháng nghị của VKSND tỉnh Yên Bái.
Trong vụ án "Vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ; Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên" xảy ra tại Yên Bái, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái Đinh Tiến Hùng bị truy tố tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".
Vụ án nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng do có liên quan đến ông Đinh Tiến Hùng - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái đã được tuyên vô tội trong bản án sơ thẩm.
Theo đó ông Đinh Tiến Hùng bị VKSND tỉnh Yên Bái cáo buộc có vai trò là người khởi xướng, đặt vấn đề và đưa ra mức hưởng lợi nhuận của bản thân cũng như với Công ty Tuyên Huy, thống nhất giao cho Nguyễn Mạnh Hùng (tức Hùng lùn, SN 1978, trú TP.Hà Nội) tìm người lên mỏ để triển khai thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và phải chịu trách nhiệm đối với lượng khoáng sản khai thác trái phép tại mỏ của Công ty Tuyên Huy là hơn 1.073 tấn quặng chì – kẽm, có giá trị hơn 2 tỷ đồng.
Tại phiên xét xử phúc thẩm, HĐXX cấp phúc thẩm công bố nội dung kháng nghị của VKS tỉnh Yên Bái đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử lại vụ án theo hướng Đinh Tiến Hùng đã phạm tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên"; 2 bị cáo khác đã thực hiện hành vi phạm tội; không cho 1 bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng tình tiết tăng nặng theo quy định.
HĐXX cấp phúc thẩm cũng công bố đơn kháng cáo của các bị cáo. Riêng bị cáo Đinh Tiến Hùng không kháng cáo, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm tuyên bị cáo vô tội.
Tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội trình bày nhận định: Việc quy kết các bị cáo về tội danh đã truy tố là có căn cứ, tuy nhiên cần xem xét lại các hoạt động có tổ chức hay chỉ là đồng phạm đơn giản. VKS cấp cao cho rằng quá trình xét xử sơ thẩm đã bỏ lọt hành vi của bị cáo Việt, bị cáo Đoàn về hành vi vận chuyển trái phép vật liệu nổ. Quá trình xét xử sơ thẩm vụ án chưa phân hóa được vai trò tham gia của các bị cáo, chưa xác định được số lượng vật liệu nổ, chưa giám định được chính xác hàm lượng khoáng sản.
Sau khi đại diện Viện kiểm sát cấp cao đề nghị truy tố các bị cáo, nhiều luật sư đồng loạt có ý kiến về việc yêu cầu cơ quan tố tụng xem xét lại phương pháp lấy mẫu quặng và kết quả giám định, việc định giá bởi đây là mấu chốt quan trọng liên quan điều khoản và mức án, vì cho rằng chưa hợp lý.
Nhiều luật sư có mặt tại tòa, thông qua xét hỏi bị cáo, đã cho thấy bất hợp lý hàm lượng và trữ lượng quặng đã được khai thác; cần có một cuộc giám định lại tại một cơ quan giám định độc lập, khách quan và chính xác. Ngoài ra, các luật sư đề nghị xem xét lại vai trò của các bị cáo, xem xét thái độ khai báo, nhân thân và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ của các bị cáo để giảm hình phạt cho các bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, Hội đồng xét xử nhận thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, TAND tỉnh Yên Bái đã 2 lần trả hồ sơ, đề nghị VKSND tỉnh này bổ sung chứng cứ, chứng minh hành vi vi phạm của Đinh Tiến Hùng nhưng VKSND tỉnh Yên Bái giữ nguyên quan điểm.
Qua quá trình tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, cũng như các chứng cứ, hồ sơ, các lời khai của các bị cáo có nhiều mâu thuẫn, có nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ, nhiều tình tiết cần được làm rõ nên Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm đối với Đinh Tiến Hùng.
TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định, chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện KSND tỉnh Yên Bái, chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm ngày 7/11/2023, giao hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Yên Bái để điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.
Tòa phúc thẩm giao hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Yên Bái điều tra lại, làm rõ thêm các thông tin như: Đinh Tiến Hùng có phải người khởi xướng, giúp sức cho các bị cáo hay không; nếu có việc can thiệp thì can thiệp thế nào; làm rõ sự mâu thuẫn giữa lại khai của bị cáo Lăng Đức Hân - Giám đốc Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm (bị truy tố 2 tội "Vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ", "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên") và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Cùng với đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm yêu cầu làm rõ lý do Đinh Tiến Hùng liên quan thế nào trong việc thanh toán tiền điện như cáo buộc, có việc Đinh Tiến Hùng điện thoại hỏi về quặng, có việc Đinh Tiến Hùng dùng tài khoản Zalo hay không…
Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng cho rằng cần làm rõ quá trình vận chuyển và sử dụng trái phép vật liệu nổ, ngoài các bị cáo đã bị truy tố, cần xem xét xem có người nào liên quan đến không; tránh bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt hành vi phạm tội nhưng cũng tránh xét xử oan người vô tội.
Với các kháng cáo xin giảm nhẹ của một số bị cáo khác trong vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy cần chấp nhận nội dung kháng cáo của các bị cáo. Nhưng thấy cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao về cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái điều tra lại, theo hướng xem xét, tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị cáo, cũng như các tình tiết giảm nhẹ; cần thiết xác định lại số lượng vật liệu nổ, tính hợp pháp kết luận giám định khối lượng, hàm lượng khoáng sản…
Với các bị cáo Lưu Bằng Đoàn và Nguyễn Mạnh Hùng - lao động tự do, đều bị Tòa sơ thẩm tuyên án 2 năm tù cho hưởng án treo tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", dù 2 bị cáo này không kháng cáo, không bị kháng nghị án sơ thẩm nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy hành vi của 2 người này liên quan mật thiết đến hành vi, lời khai của các bị cáo khác nên thấy hủy toàn bộ các quyết định án sơ thẩm, liên quan 2 bị cáo.