An ninh trật tự

Tình trạng phạm tội ngày càng trẻ hóa đáng báo động

Ngọc Minh - Quốc Bình 30/10/2024 - 15:10

Tình trạng tội phạm trẻ hóa đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, đáng lo ngại là các vụ phạm tội nghiêm trọng liên quan đến thanh thiếu niên. Đây là vấn đề cần được quan tâm, bởi nó không chỉ gây ra tác động tiêu cực đến cá nhân người phạm tội, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến gia đình và cộng đồng xung quanh.

Theo thống kê, số lượng vụ án liên quan đến thanh thiếu niên có xu hướng tăng, với thủ đoạn tinh vi, mức độ phức tạp của hành vi phạm tội ngày càng cao. Độ tuổi phạm tội đang dần trẻ hóa, và các hành vi thường mang tính bộc phát, có phần liều lĩnh.

Tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng

z5981620951568_c70906dd68fa66780e818ea297a951a4.jpg
Phiên tòa xét xử hai bị cáo trong vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" ở Huế

Mới đây, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xét xử vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” với hai bị cáo trẻ tuổi là P.T.Q.O. và H.T.H., cả hai đều nghỉ học từ lớp 6 và thực hiện hành vi phạm tội bằng cách lợi dụng sự tin tưởng của các em học sinh, bắt các em đi cùng mình đến nơi vắng vẻ để thực hiện hành vi phạm tội của mình. Các tài sản bị chiếm đoạt bao gồm điện thoại, tiền mặt và trang sức.

Trong vụ án này, còn có hai thanh thiếu niên tham gia thực hiện cùng với hai bị cáo nhưng các em đều chưa đủ tuổi để chịu truy cứu về trách nhiệm hình sự.

Trong thời gian từ tháng 11-12/2023, các bị cáo đã 4 lần có hành vi đe dọa, uy hiếp để 4 bị hại khác đưa tiền, điện thoại có tổng giá trị gần 8 triệu đồng để tiêu xài cá nhân.

Điều đáng nói là người bị hại là các cháu học sinh, chưa đủ 16 tuổi, độ tuổi rất dễ bị tổn thương về mặt tinh thần.

Các bị cáo bị TAND tỉnh TT-Huế tuyên phạt gồm: bị cáo P.T.Q.O. 8 tháng 7 ngày tù (bằng số ngày tạm giam); H.T.H. 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Vụ án này cho thấy rõ sự liều lĩnh, tinh vi và mức độ đáng báo động của các hành vi phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên.

87d3f6c4a74601185857.jpg
Tuyên truyền pháp luật đến học sinh bằng phiên tòa giả định các tình huống có thật, gần gũi với cuộc sống

Không chỉ dừng lại ở những vụ việc lẻ tẻ, hiện nay có những vụ án cho thấy mức độ tổ chức và mưu tính của thanh thiếu niên trong quá trình phạm tội.

Nguy hiểm hơn, nhiều thanh thiếu niên còn xem các hành vi vi phạm pháp luật là “chiến tích,” tự hào đăng tải lên mạng xã hội như một cách khoe khoang, thể hiện cá tính, thách thức pháp luật và cộng đồng.

Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của chính các em mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.

Mỗi hành vi phạm pháp đều để lại hậu quả xấu đối với sức khỏe, tinh thần của chính người trẻ, đồng thời tạo thêm gánh nặng cho xã hội. Các bậc phụ huynh có con em vi phạm pháp luật thường phải đối mặt với cảm giác thất vọng và lo âu, đôi khi là sự bất lực trong việc giáo dục và hướng dẫn con cái.

Ngoài ra, với cộng đồng, sự gia tăng tội phạm ở độ tuổi thanh thiếu niên tạo ra cảm giác bất an, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Thể hiện nguy cơ lây lan hành vi xấu cho các bạn trẻ khác, tạo điều kiện cho môi trường tội phạm phát triển, ảnh hưởng xấu đến tương lai của cộng đồng.

Nguyên nhân và giải pháp cần thiết

Ở lứa tuổi vị thành niên, tâm lý của các em thường bất ổn, dễ bị tác động từ bên ngoài, từ đó có xu hướng thực hiện các hành vi bộc phát. Chịu áp lực từ học tập, các mối quan hệ bạn bè, xã hội hay khó khăn trong gia đình cũng là những yếu tố làm tăng khả năng vi phạm pháp luật. Thiếu sự quan tâm, đồng hành từ gia đình, cộng thêm việc thiếu kỹ năng sống và kiến thức pháp luật, khiến các em dễ lạc lối trong việc nhận thức và kiểm soát hành vi.

z5341542945426_a51e1546cdbfd0138a07630fab6e68de.jpg
Trang bị cho các em kiến thức cần thiết để tránh bị rủ rê, lôi kéo

Để ngăn chặn tình trạng này, vai trò của gia đình là không thể thiếu. Gia đình cần đồng hành, chia sẻ và giúp trẻ định hướng đúng đắn từ khi còn nhỏ. Ngoài ra, các trường học cũng cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các buổi tuyên truyền về pháp luật nhằm giúp trẻ vị thành niên hiểu rõ hệ quả của hành vi phạm pháp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tư vấn tâm lý học đường để trẻ có nơi chia sẻ và giải tỏa áp lực trong cuộc sống. Công tác này sẽ giúp các em xây dựng ý thức tự giác, kiểm soát cảm xúc và hành vi tốt hơn, tránh những hệ lụy tiêu cực không mong muốn.

Tình trạng trẻ hóa tội phạm không chỉ là vấn đề của riêng một cá nhân hay gia đình nào mà là bài toán lớn của cả xã hội. Một xã hội lành mạnh, ổn định cần có thế hệ trẻ khỏe mạnh cả về thể chất, tinh thần lẫn nhân cách. Chỉ khi cùng nhau hỗ trợ, đồng hành và giáo dục các em từ những bước đầu đời, chúng ta mới có thể ngăn chặn và giải quyết tận gốc rễ vấn đề, giúp xây dựng một cộng đồng an toàn, phát triển bền vững.

Ngọc Minh - Quốc Bình