Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, sáng 30/10, Quốc hội đã nghe Viện trưởng VKSNDTC trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự
"Đóng băng" vật chứng, tài sản gây lãng phí nguồn lực
Trình bày tờ trình, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Huy Tiến cho biết, thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc đặt ra nhất là trong việc xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
Nhiều vật chứng, tài sản có giá trị lớn tồn đọng khi bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong thời gian dài chưa được xử lý sớm để lưu thông, gây đóng băng, lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Bên cạnh đó cũng còn thiếu các biện pháp để các cơ quan tố tụng thực hiện ngay từ đầu nhằm ngăn chặn sớm việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản trước khi có đủ căn cứ áp dụng các biện pháp tố tụng kê biên, phong tỏa…
Do vậy, để bảo đảm khơi thông nguồn lực, giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm thu hồi sớm, tối đa giá trị tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt…Kết luận số 87-KL/TW ngày 13/7/2024 của Bộ Chính trị về Đề án “Xây dựng cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc” đã yêu cầu trong năm 2024, VKSNDTC xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm này.
Không chỉ áp dụng trong các “vụ án” mà còn áp dụng với các “vụ việc”
Theo ông Tiến, Dự thảo Nghị quyết gồm 05 điều. Đáng chú ý, Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng (Điều 1), quán triệt Kết luận số 87-KL/TW của Bộ Chính trị về việc xây dựng cơ chế xử lý sớm tài sản, vật chứng không chỉ áp dụng trong các “vụ án” mà còn áp dụng đối với các “vụ việc”.
"Do vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết đã xác định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo"- ông Tiến thông tin.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị quyết đề ra 04 nhóm nguyên tắc (Điều 2) để bảo đảm việc thực hiện các biện pháp xử lý được kịp thời nhưng chặt chẽ, minh bạch, có sự kiểm soát, đúng mục đích, không ảnh hưởng đến việc chứng minh, giải quyết vụ án, vụ việc; không ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản, tránh làm phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đòi bồi thường; phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cho phép nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa
Bám sát nội dung Đề án xử lý vật chứng, tài sản đã được Bộ Chính trị thông qua, theo ông Tiến, dự thảo Nghị quyết quy định 05 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản (Điều 3), gồm:
Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý;
Nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa;
Cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng;
Giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng;
Tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Đối với từng biện pháp, đều quy định rõ nội dung, điều kiện áp dụng, thẩm quyền, đối tượng.
5 điều kiện để xử lý vật chứng, tài sản
Dự thảo Nghị quyết quy định nhất quán, xuyên suốt, chỉ áp dụng khi có đủ 05 điều kiện sau đây (thiếu 01 điều kiện thì không được áp dụng):
-Một là, chỉ áp dụng đối với nhóm vật chứng, tài sản là: “tiền, bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” vì có giá trị lớn, phổ biến trong các vụ việc, vụ án.
- Hai là, việc áp dụng phải có sự đồng ý, chủ động đề nghị của những người liên quan, bảo đảm quyền tài sản của họ, hạn chế tối đa việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đòi bồi thường.
- Ba là, trước khi quyết định áp dụng, phải trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản theo quy định, bảo đảm khách quan, minh bạch, thu hồi tối đa, không để hao hụt, thất thoát giá trị của tài sản khi xử lý (các khoản 2, 3, 4 Điều 3).
- Bốn là, phải có sự thống nhất của các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trước khi quyết định áp dụng, bảo đảm không để xảy ra vi phạm, lợi dụng, lạm dụng; bảo đảm nhất quán quan điểm trong xử lý với quyết định của Tòa án khi xét xử (điểm b khoản 7 Điều 3).
- Năm là, việc xử lý phải không làm ảnh hưởng đến việc chứng minh, giải quyết đúng đắn vụ việc, vụ án.
Ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản
Đối với biện pháp tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản ( khoản 5 Điều 3 dự thảo Nghị quyết), theo ông Tiến "Thí điểm biện pháp này nhằm ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản liên quan tội phạm ngay từ ban đầu, tạo một bước sớm để kiểm tra, xác minh, khi có đủ căn cứ, điều kiện thì áp dụng ngay các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa theo quy định".
Ngoài ra, cần quy định biện pháp này bởi biện pháp này được thể hiện rõ tại Đề án xử lý vật chứng, tài sản đã được Bộ Chính trị thông qua, dự thảo Nghị quyết không mở rộng, vượt quá phạm vi Đề án.
Pháp luật khác hiện cũng quy định những biện pháp có tính chất tương tự: BLTTDS quy định biện pháp khẩn cấp tạm thời như: cấm chuyển dịch quyền về tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp… áp dụng ngay khi đương sự yêu cầu (chưa thụ lý, giải quyết vụ án dân sự). Luật THADS, Luật Chứng khoán cũng có những quy định tương tự…
"Thực tế hiện nay trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc do yêu cầu cấp bách, ngay từ ban đầu, để kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, hỗ trợ thu thập vật chứng, cơ quan tố tụng đã đề nghị các cơ quan quản lý hành chính áp dụng biện pháp “tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản”.
Tuy nhiên, việc này là theo thủ tục hành chính, không có trình tự, thủ tục chặt chẽ. Để bảo đảm chuẩn hóa trong tố tụng, bảo đảm minh bạch, chặt chẽ về thẩm quyền; căn cứ, điều kiện; trình tự, thủ tục, thời hạn áp dụng, hủy bỏ; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức…, tránh vi phạm ảnh hưởng, cản trở sản xuất, kinh doanh…thì cần quy định biện pháp này trong Nghị quyết"- ông Tiến phân tích.
Ngoài ra, để bảo đảm thực hiện hiệu quả các biện pháp xử lý, dự thảo Nghị quyết quy định rõ về: việc xử lý lợi tức phát sinh; thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định áp dụng, hủy bỏ các biện pháp; việc ghi biện pháp xử lý trong kết luận điều tra, cáo trạng và bản án, quyết định của Tòa án; quy định trách nhiệm THQCT, kiểm sát của Viện kiểm sát; việc áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm bồi thường (các khoản 7, 8 Điều 3).
Về hiệu lực thi hành, theo ông Tiến, Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 và được thực hiện không quá 03 năm. VKSNDTC có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện trong báo cáo công tác hàng năm, báo cáo kết quả tổng kết khi kết thúc việc thực hiện Nghị quyết trước Quốc hội.