Tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối liền quận 7, quận 4 và quận 1, với chiều dài chưa đầy 3km nhưng là cung đường kẹt xe nghiêm trọng nhất ở TP.HCM. Nơi đây là một trong những “điểm nóng” giao thông của thành phố. Không chỉ vào các khung giờ cao điểm mà bình thường, người dân luôn cảm thấy mệt mỏi khi di chuyển qua đường này. Đặc biệt, vào mùa mưa, triều cường lên, đường Nguyễn Tất Thành trở thành nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông. Ghi nhận của phóng viên, vào buổi chiều không mưa, không xảy ra sự cố nhưng chỉ trong chốc lát, tuyến đường này đã đông nghẹt người qua lại. Khung giờ kẹt xe nghiêm trọng nhất ở tuyến đường Nguyễn Tất Thành vào khoảng 7h - 7h45' sáng và từ 17h - 18h30' chiều. “Nhà tôi ở quận 7 nhưng cả hai vợ chồng đều làm việc ở quận 1, nên mỗi ngày phải 2 lượt đi qua tuyến đường này. Đi làm nhiều lúc đã áp lực, mệt mỏi còn phải nhích từng chút một để về nhà, mệt mỏi vô cùng. Tuyến đường này đã kẹt nhiều năm qua nhưng không hiểu sao nhà nước không nâng cấp, mở rộng”, anh Nam, quận 7 nói. Thẫn thờ giữa dòng kẹt xe, chị Hải Lý, huyện Nhà Bè phải leo lên vỉa hè với hy vọng có thể về nhà nhanh hơn. “Tôi đã chịu cảnh kẹt xe ở tuyến đường này hơn 4 năm, 16h30' chiều là tôi tan làm nhưng đi từ quận 1 về Nhà Bè phải mất gần 1 tiếng, có những lúc chôn chân ở đường Nguyễn Tất Thành hơn 30 phút, kẹt xe phải nói là khủng khiếp”, chị Lý nói trong sự mệt mỏi. Dòng người nối đuôi nhau xê dịch từng chút một trên đường, đủ các loại phương tiện ô tô, xe máy, xe thô sơ… chen chúc nhau là khung cảnh quen thuộc tại đường Nguyễn Tất Thành, quận 4. Do đường Nguyễn Tất Thành luôn trong tình trạng kín mít, nên nhiều người bất chấp đi trên vỉa hè. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, đường lNguyễn Tất Thành hiện là điểm nghẽn lớn nhất với lưu lượng giao thông vượt quá khả năng đến 140%. Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, tuyến này đã chứng kiến 811 lần ùn tắc, đứng đầu danh sách các điểm ùn tắc tại TP.HCM. Theo Sở GTVT TP.HCM, dù là tuyến đường ùn tắc nhất TP.HCM nhưng từ nay đến năm 2030, đường Nguyễn Tất Thành không nằm trong danh sách các dự án được ưu tiên mở rộng của TP.HCM. Thời gian qua, Sở GTVT TP.HCM đã áp dụng nhiều giải pháp để giảm tải tình trạng ùn tắc trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành. Cụ thể, đơn vị đã tổ chức đóng một số giao lộ trên tuyến đường này và đang nghiên cứu thêm giải pháp điều chỉnh giao thông tại giao lộ Nguyễn Tất Thành - Hoàng Diệu. Cạnh đó, tăng cường theo dõi, điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu giao thông tại các điểm chốt trên tuyến, đặc biệt là ở đầu và cuối tuyến. Song song đó, các cơ quan chức năng thường xuyên trao đổi thông tin với lực lượng CSGT để kịp thời xử lý các sự cố giao thông, giảm thiểu tình trạng ùn tắc kéo dài. Về lâu dài, Sở GTVT TPHCM dự kiến sẽ điều chỉnh tổ chức lưu thông một chiều qua cầu Tân Thuận 2 theo hướng từ quận 4 sang quận 7 ngay khi Cảng Sài Gòn được di dời. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các cây cầu và tuyến đường quan trọng khác như cầu Nguyễn Khoái (kết nối quận 7, quận 4 và quận 1), cầu đường Bình Tiên và cầu Thủ Thiêm 4. Trong đó, cầu Thủ Thiêm 4 kết nối từ đường Huỳnh Tấn Phát, đoạn cuối đường Lưu Trọng Lư, băng qua sông Sài Gòn qua bên Khu đô thị mới Thủ Thiêm và kết nối thẳng trục đường đi qua cầu Thủ Thiêm 1, đường Nguyễn Hữu Cảnh. Các dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho tuyến Nguyễn Tất Thành và khu vực phía Nam TP.HCM.
Kim Sáng