Hoạt động báo chí và vấn đề bảo vệ quyền con người

Đời sống - Ngày đăng : 09:32, 21/06/2017

Báo chí giữ một vị trí rất quan trọng trong xã hội, trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Quyền được tiếp cận thông tin thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị, là quyền cơ bản của con người, được pháp luật và cộng đồng quốc tế công nhận.

Báo chí là một trong những phương tiện đắc lực bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của cá nhân, công dân được thực hiện trên thực tiễn.

Theo Điều 1 Luật Báo chí thì báo chí ở nước ta là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân. Báo chí có nhiệm vụ thông tin trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới; tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu văn hóa, khoa học, kỹ thuật trong nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần nâng cao kiến thức, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài ra, báo chí còn có nhiệm vụ phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác và mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ.

Nhà nước bảo hộ cho các cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp bằng các quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí, quyền và nghĩa vụ giữ bí mật nguồn tin của cơ quan báo chí, nhà báo. Bên cạnh đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động... Điều 15 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí quy định: báo chí được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Hoạt động báo chí và vấn đề bảo vệ quyền con người

Ảnh minh họa

TS. Đặng Vũ Huân, Tổng Biên tập Tạp chí dân chủ và pháp luật (Bộ Tư pháp) nhận định, báo chí truyền thông có ảnh hướng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội, đối với người dân; truyền tải thông tin về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa và các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến người dân.

Việc thông tin, điều tra và phanh phui những sai trái, vi phạm quyền con người trên các phương tiện báo chí có tác dụng rất lớn đối với việc thực hiện quyền con người ở nước ta. Các hoạt động này có tác dụng ngăn chặn, đưa ra ánh sáng, khôi phục các quyền con người, quyền công dân bị xâm hại…góp phần tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp tháo gỡ. Với vai trò này, các phương tiện truyền thông cần phản ánh tình hình thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có tình hình vi phạm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam; phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân về bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong những phạm vi, sự kiện cụ thể. Đặc biệt, người dân có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, cá nhân người có thẩm quyền thông qua báo chí.

Tiếp đến là báo chí có thể bảo vệ quyền con người thông qua vai trò phản biện của mình. Ở Việt Nam, lần đầu tiên, Nghị quyết Trung 6 (lần 2), khóa VIII của Đảng đã ghi nhận và khẳng định báo chí và truyền thông đại chúng là một trong bốn hệ thống giám sát xã hội. Giám sát của báo chí thông qua ý kiến của nhân dân, giám sát bằng dư luận xã hội. Chức năng đó cũng thể hiện qua việc phát hiện những nơi làm đúng, những nơi vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước; phát hiện những sai phạm của cá nhân, tổ chức để lên án cũng như biểu dương những gương người tốt việc tốt… là những gì mà báo chí cách mạng trong suốt thời gia quan đã thể hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, những mặt trái cũng đã bộc lộ, cùng với việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân thì cũng có những góc độ, trường hợp nhất định đã vi phạm quyền này. Chẳng hạn, đối với người dân, thực tế thời gian qua cho thấy, có trường hợp báo chí truyền thông đưa thông tin sai sự thật được đăng tải, trích dẫn rầm rộ tạo thành làn sóng dự luận ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của  người bị hại, song thông tin đính chính, thông tin xử lý sai phạm hay giải pháp bảo vệ khôi phục quyền lợi của người bị hại lại bị xem nhẹ, không có cơ hội tạo thành làn sóng thông tin như thông tin sai sự thật ban đầu. Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí cũng cho thấy, một số cơ quan báo chí, truyền thông không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích mà chạy theo lợi nhuận với những thông tin giật gân, câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng; thông tin thiếu chính xác, sai sự thật, làm tổn hại đến lợi ích đất nước, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Trong xây dựng chính sách, pháp luật, báo chí truyền thông dễ làm cho các nhà lập pháp, lập quy bị ảnh hưởng về mặt nhận thức, lý trí. Trong quá trình thực thi pháp luật, đôi khi truyền thông cũng tạo nên những khó khăn không nhỏ cho các cơ quan thi hành pháp luật, tạo ra dư luận không tốt đối với chính sách. Trong xét xử các vụ án, khi báo chí vào cuộc với tư cách là một “võ sĩ đeo găng” trong xét xử các vụ án không chỉ tác động lên công lý mà còn tác động đến công luận, gây áp lực lên các Thẩm phán. Sự khách quan của phiên tòa cũng khó đạt tới trong một bầu không khí ngột ngạt như vậy. Hiện tượng truyền thông đưa thông tin sai sự thật, bóp méo thông tin dẫn đến nhận thức của người dân bị sai lệch, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội đang có xu hướng tăng…

Vì vậy, trong bối cảnh đó, sứ mệnh của báo chí quan trọng hơn bao giờ hết về sự trung thực, khách quan, tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Trong môi trường truyền thông số phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì điều đó lại càng quan trọng. Báo chí truyền thông thể hiện sức mạnh chính trị-xã hội cũng là đối tượng dễ bị các lực lượng chính trị, các tập đoàn kinh tế hay những cá nhân có quyền lực địa vị lợi dụng để xâm hại quyền con người, xâm hại đến an ninh, chủ quyền quốc gia, gây mất ổn định xã hội. Vì vậy bên cạnh việc nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin cho người dân hiểu về quyền của mình thì việc kiểm soát báo chí, truyền thông theo chuẩn mực mà Luật Báo chí đã ban hành là điều cần thiết hiện nay.

Nguyên Bình