Đời sống

Loài hoa 'báu vật' trên cao nguyên đá Hà Giang

Nguyễn Liên- Hoàng An 29/10/2024 08:26

Mùa Thu Hà Giang không chỉ có những cung đường rực rỡ đồi hoa tam giác mạch, trên cung đường của 4 huyện thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn xen giữa núi đá bạt ngàn những khóm hoa dại màu tím trải dài mộng mơ, thơm ngát thảo dại các bản làng. Loài hoa núi rừng đó như là “báu vật”, giúp bà con nơi đây thoát nghèo.

Loài hoa thoát nghèo trên cao nguyên đá

Cuối tháng 10 dương lịch hằng năm, khi những cơn gió mùa Đông Bắc bắt đầu kéo về trên khắp các sườn núi, mang cái lạnh bao trùm lên những dãy núi đá tai mèo lởm chởm trải dài khắp miền Cao nguyên đá, cũng là lúc hoa bạc hà nở rộ, khoe sắc tím, báo hiệu một mùa thu hoạch mật lại đến.

Loài hoa ấy, được đồng bào nơi đây coi như “báu vật” giữa núi đá chập chùng, khô cằn, có sức sống mạnh mẽ, sau những tháng nằm sâu dưới những khe đất nhỏ cũng sườn núi, hoa bạc hà nẩy mầm bung nở vươn lên trên miền núi đá, đón những ngọn gió đông, tận hưởng những giọt sương mai, rồi tắm mình trong cái nắng, cái gió của đất trời cao nguyên để ra những bông hoa tím trắng, mời gọi bầy ong về tụ hội, làm nên những giọt mật thơm cho đời.

bac-ha-6-.jpg
Cuối tháng 10 loài hoa bạc hà nở rộ trên cao nguyên đá Hà Giang
bac-ha-1-.jpeg
Loài hoa dại trở thành cây thoát nghèo đồng bào nơi đây

Hà Giang có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, cùng các địa danh nổi tiếng như núi đôi Quản Bạ, phố cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, chợ phiên Mèo Vạc, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì… đây là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc như Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo, La Chí... Không khí mùa thu trong lành, 4 huyện cao nguyên đá đón từng đợt du khách trong nước quốc tế trở về ngày một đông. Loài hoa bạc hà bung nở cũng là thời khắc du khách được trải nghiệm một mùa hoa của núi đồi độc đáo, được thưởng thức mật ong bạc hà ngọt ngào, thơm mát của núi rừng.

bac-ha-13-.jpg
Dọc quốc lộ 4 đến các huyện thuộc cao nguyên đá những ngày tháng 10 sẽ bắt gặp mùa hoa bạc hà Hà Giang nở rộ đẹp nhất thường vào cuối tháng 10 dương lịch. Lúc này khắp cao nguyên sẽ được bao phủ bởi những thảm hoa màu tím đẹp mộng mơ.
bac-ha-15-.jpg
Vào lúc mùa hoa nở rộ cũng là thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch mật ong bạc hà nguyên chất.

Cây hoa bạc hà là một loại cây dại, mọc tự nhiên và chỉ phát triển trong điều kiện 1.000m đến 1.800m so với mực nước biển. Mùa hoa bạc hà Hà Giang thường nở rộ từ cuối tháng 9 dương lịch đến hết tháng 12 trên các triền núi cao. Cây hoa bạc hà phát triển tốt ở những nơi có diện tích lớn, đặc biệt là trong những ruộng ngô được che phủ.

Báu vật trên cao nguyên đá

Loài hoa dại bạc hà ấy chính là nguồn nuôi dưỡng loài ong kéo về khi mùa hoa nở rộ. Đồng bào nơi đây gọi là "báu vật" thoát nghèo trên cao nguyên đá. Thời điểm cuối tháng 10 và tháng 11, du khách về với cao nguyên đá, ngoài chiêm ngưỡng cánh đồng hoa tím mộng mơ, còn có thể theo dõi người nuôi ong thu hoạch mật khi mùa hoa bạc hà Hà Giang nở rộ, đây chắc chắn là một trong những kỉ niệm đáng nhớ

Một điểm đặc biệt của loài hoa này chính là cây hoa bạc hà dại chỉ mọc cao nguyên đá các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, trong đó Đồng Văn là địa điểm lý tưởng nhất. Cũng chính vì độ quý hiếm này mà cây hoa bạc hà được xem như một tài nguyên vô cùng quý giá của cao nguyên đá. Đặc biệt là đối với ngành nuôi ong chất lượng cao.

bac-ha-11-.jpg
bac-ha-12-.jpg
Anh Lò Y Mẩy, dân tộc Mông tại huyện Đồng Văn (Hà Giang) cùng họ hàng nuôi đàn ong trăm tổ lấy mật, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Trong đó, huyện Yên Minh là nơi có nhiều lợi thế phát triển đàn ong. Trở thành một trong những địa điểm ngắm hoa sản xuất ra sản phẩm mật ong vô cùng đặc biệt này. Cứ mỗi độ mùa hoa bạc hà Hà Giang nở rộ là không khí nơi đây lại nhộn nhịp, vui tươi hẳn lên.

Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang đang duy trì và chăm sóc trên 3.239 ha cây bạc hà, trong đó huyện Mèo Vạc 915 ha, Đồng Văn 1.124 ha, Yên Minh 700 ha, Quản Bạ 500 ha. Để bảo tồn và phát triển sản phẩm nổi tiếng Mật ong Bạc Hà, tỉnh Hà Giang đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm Mật ong Bạc Hà. Đặc biệt là việc trồng, chăm sóc và bảo vệ diện tích cây bạc hà trong vùng nguyên liệu.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang xác định ong là 1 trong 6 cây con được lựa chọn để phát triển theo hướng hàng hóa. Chính vì vậy, tỉnh đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các hộ chăn nuôi ong trên địa bàn trồng mới, chăm sóc diện tích cây Bạc Hà và phát triển đàn ong nội để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế của đặc sản địa phương chỉ có ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá Hà Giang.

Anh Tráng Thìn Lù, ở huyện Đồng Văn cho biết, gia đình anh nuôi ong đã 10 năm nay. Cao điểm, nhà anh Lù nuôi đến 500 tổ ong. "Nghề nuôi ong nay đã khác xưa rất nhiều nhờ trình độ khoa học thay đổi, quy mô tăng lên. Người dân địa phương không còn phải vào rừng tìm tổ ong về thuần hóa mà duy trì đàn ong tại nhà", anh Lù nói thêm.

bac-ha-17-.jpg
Loài hoa bạc hà tưởng chừng chỉ mang lại hương thơm, cho những dãy núi đá nâu đen bớt lạnh lẽo nhưng chính loài hoa ấy đã gây dựng nên thương hiệu được xem báu vật trên cao nguyên đá - Mật ong Bạc Hà.
bac-ha-1-.jpg
Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho sản phẩm “Mật ong Bạc Hà”, bao gồm khu vực 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ

Việc bảo tồn và phát triển cây bạc hà ở 04 huyện vùng cao nguyên đá Hà Giang không chỉ giúp phát triển ngành chăn nuôi ong, mà còn có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn và phát triển da dạng sinh học, góp phần vào chủ trương phát triển kinh tế đa giá trị. Đặc biệt là du lịch, mang lại giá trị bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Qua thực tế cho thấy, nghề nuôi ong không chỉ đem lại kinh tế cho người dân, mà còn góp phần bảo tồn và phát triển tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, không tốn đất như các ngành khác. Để duy trì và phát triển diện tích cây bạc hà, ngành nông nghiệp phối hợp với các huyện vùng cao nguyên đá triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trong việc trồng mới, bảo tồn, chăm sóc nguồn cây bạc hà để đáp ứng với quá trình tăng trưởng số lượng, chất lượng đàn ong mật hàng năm.

Mật ong Bạc Hà là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Giang. Được nhiều người biết đến với hình ảnh mật ong đặc, vàng óng, mùi vị thơm ngon đặc trưng riêng có của loài hoa bạc hà, mà còn nhiều công dụng tuyệt vời khác như: Bồi bổ sức khỏe, nâng cao sinh lực, có tác dụng tốt với các bệnh viêm họng, hô hấp, bệnh tim mạch, tiểu đường, viêm loét dạ dày, đại tràng, suy nhược cơ thể cho người già, trẻ em, người bệnh, người mới ốm dậy, phụ nữ có thai và sau khi sinh nở... Mật ong Bạc Hà chỉ có ở 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ.

Nguyễn Liên- Hoàng An