Đủ chiêu trò loạn thị trường 'gắn mác' môi giới bất động sản
Được hỏi mua căn hộ chung cư với mức giá "siêu hời", nhưng khi đồng ý bán thì người mua "lặn mất tăm" là câu chuyện đang diễn ra tại thị trường BĐS Hà Nội.
Người bán "phát hoảng"
Gần 1 tháng qua, một trong những chiêu trò mới xuất hiện gây “dậy sóng” cộng đồng quan tâm lĩnh vực địa ốc là việc một số môi giới chủ động tung tin đồn, đóng giả khách hàng liên hệ chủ nhà mua (hoặc thuê) giá cao nhưng khi chủ nhà đồng ý thương lượng thì lại “mất hút”.
Như trường hợp của chị L.C (sống tại chung cư Chelsea Residences, Cầu Giấy, Hà Nội), gia đình chị đang sống trong căn hộ diện tích 130m2, thiết kế 3 phòng ngủ. Căn hộ này chị mua từ năm 2021 với giá 5,3 tỉ đồng. Mặc dù không có nhu cầu bán nhà nhưng chị C đã liên tục nhận được cuộc gọi từ môi giới hỏi mua nhà với giá cao tới 12,5 tỉ đồng.
Sau nhiều lần từ chối bán, mới đây gia đình chị được môi giới tiếp tục liên hệ lại và hỏi mua. Lần này, môi giới cho rằng, nếu thiện chí có thể mức giá sẽ tăng cao hơn 100-200 triệu đồng và có khách cọc ngay. Thấy được giá, gia đình chị đã đồng ý và tính toán với số tiền bán được sẽ mua một căn nhà trong ngõ, phù hợp với gia đình khi 2 con đã lớn. Tuy nhiên, chị đợi gần 2 tuần nhưng chưa thấy môi giới nào dẫn khách tới, cũng không thấy liên hệ lại.
Hay trường hợp của anh T.M. ở Đống Đa (Hà Nội) cũng trở thành “con mồi” cho những môi giới và người mua ép giá. Theo anh M., gia đình cần gấp tiền trả nợ ngân hàng do kinh doanh thua lỗ, đã phải đăng bán căn hộ 70m2 của mình với giá 3,5 tỷ đồng và mong muốn bán trong một tuần.
Thế nhưng, căn hộ của anh bị môi giới ép giá từ 3,5 tỷ đồng xuống còn 3,1 tỷ đồng vì họ biết anh đang ở trong thế “cần thanh khoản gấp”. Và cuối cùng, sau gần 3 tháng bị nhóm môi giới và khách hàng ép giá anh đành chấp nhận bán căn hộ của mình với giá "không mong muốn" để trả nợ.
Bên cạnh hiện tượng liên tục hỏi mua giá cao sau đó mất hút, một chiêu trò khác cũng đang gây chú ý là “mua gấp giá cao, bán gấp giá rẻ”. Cụ thể, nhiều chủ nhà phản ánh hiện tượng môi giới liên hệ mua nhà với giá trên trời, hẹn đến một địa điểm nhất định, sau dụ dỗ người bán đi xem dự án.
Đơn cử như trường hợp của chị T.T.T (ở Thủ Đức, TP.HCM), nhà đầu tư đang có nhu cầu bán căn hộ, cho biết vào đầu tháng 10 vừa qua, một môi giới liên hệ chị báo có khách mua giá thương lượng gần 3,9 tỷ đồng, cao hơn giá kỳ vọng gần 500 triệu. Tuy nhiên, khách đòi chị phải đến nơi bàn hợp đồng.
Dù có nhiều nghi ngờ, nhưng vì môi giới khẳng định khách đã tìm hiểu kỹ căn hộ, muốn chốt ngay để thừa kế cho con, địa chỉ được cho trên đường 32, Bình Trị Đông B, Bình Tân (TP.HCM), nên chị T quyết định “đánh liều” đến thử vì đang cần bán nhà gấp để thu hồi vốn.
“Y như rằng, xuống đến nơi thì địa chỉ là một quán cà phê ngập tràn “cò”, quần đen, sơ mi trắng. “Chim mồi” đi xe sang lảng vảng. Vì đã biết về chiêu trò này nên tôi quay xe ngay, vì nếu không chắc chắn sẽ được “cò” đưa lên xe đi Long An, Đồng Nai hay Bình Dương…”, chị T chia sẻ.
Làm sao để không bị "sập bẫy"?
Không chỉ gây ức chế, thiệt hại cho khách hàng, các chiêu trò vừa cũ vừa mới của một bộ phận môi giới bất động sản đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nghề môi giới, tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư, người mua nhà, đất.
Có thể thấy, vì chưa có “thuốc đặc trị” nên nhiều môi giới thiếu ý thức vẫn bất chấp sử dụng chiêu trò để gây nhiễu thị trường.
Có thể nói, thị trường bất động sản đang tồn tại rất nhiều vấn đề sau thời gian dài chìm trong khủng hoảng. Những cơn sốt giá, thị trường nóng "hầm hập" là môi trường lý tưởng cho các hình thức lừa đảo, chiêu trò nảy sinh. Vì vậy, chủ nhà, khách hàng cũng cần phải cẩn trọng để tránh sập bẫy.
Ông Đức Hoài, Phó Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Bến Thành, cho biết, để tránh bị mắc bẫy, chủ nhà nên nhận cọc đúng theo thông lệ thị trường chứ không nhận thấp. Nếu chưa đủ tiền cọc thì trong hợp đồng đặt cọc phải có điều khoản ràng buộc bên mua bổ sung tiền cọc trong một thời gian nhất định. Nếu không bổ sung thì hợp đồng cọc tự động chấm dứt.
Hai là, chủ nhà chỉ chấp nhận trả tiền môi giới theo tiến độ nhận tiền từ bên mua chứ không trả trước phí môi giới quá cao ở giai đoạn đặt cọc.
Ba là, hợp đồng cọc phải có địa chỉ liên lạc, số điện thoại, email của các bên; đặc biệt phải có thời gian, địa điểm công chứng rõ ràng.
Bốn là, chủ nhà chỉ làm việc trực tiếp với bên mua. Mọi trao đổi phải thông qua thông tin các bên đã công khai trên hợp đồng. Bên môi giới nói chỉ để tham khảo. Tất cả phải có sự xác nhận của bên mua thông qua tin nhắn, cuộc gọi vào số/thư gửi vào email đã đăng ký trên hợp đồng. Nếu bên mua xin gia hạn mà chủ nhà đồng ý thì sẽ ra công chứng sửa đổi, bổ sung việc gia hạn này trong hợp đồng đặt cọc.
Năm là, hợp đồng đặt cọc phải có điều khoản chế tài về việc một trong hai bên từ chối công chứng. Ở góc độ chủ nhà thì phải có điều khoản nếu đúng thời gian công chứng đã định mà bên mua không có mặt tại văn phòng công chứng và/hoặc từ chối công chứng thì hợp đồng đặt cọc tự động bị chấm dứt hiệu lực; bên mua bị mất cọc và bên bán được bán nhà cho người khác.
Ngoài ra, chủ nhà có thể thực hiện thêm phép thử khác như thăm dò bên môi giới nếu đã lập đội đi lừa chủ nhà thì có thể trên các trang mạng rao bán nhà đất sẽ không có thông tin rao bán nhà đất của họ.
Chủ nhà cần lưu ý là nếu nhà đất có thông tin nào cần công bố cho bên mua thì phải đưa vào trong hợp đồng cọc hoặc thỏa thuận để chứng minh họ đã biết thông tin và vẫn đồng ý giao dịch để tránh việc họ lợi dụng điều này để đòi phạt cọc. Nhóm này cũng thường sử dụng chiêu bài sai hiện trạng để đòi phạt cọc.