Tin địa phương

Sau 27 năm tái lập, Bắc Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ

Lê Đại 29/10/2024 - 06:37

Ngày 28/10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng của năm 2024 và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Tại Hội nghị, ông Lê Xuân Lợi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã nêu bật những thành tựu tỉnh đã đạt được sau 27 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh.

anh-1-bai-bac-ninh.jpg
Toàn cảnh Hội nghị thông tin tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024, ông Lê Xuân Lợi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm GRDP tăng 5,52% so cùng kỳ năm 2023; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; hoạt động thương mại dịch vụ tăng 9,1%; thu ngân sách tăng 20,5%. Đặc biệt, là thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước.

anh-2-bai-bac-ninh.jpg
Ông Lê Xuân Lợi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội nghị,

Tại Hội nghị ông Lê Xuân Lợi đã nhấn mạnh đến sự thay đổi, sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh Bắc Ninh sau 27 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh. Cụ thể:

Về quy mô kinh tế có mức tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Bắc Ninh trở thành 01 trong 04 cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Hồng.

Khi mới tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Ninh là tỉnh thuần nông, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành (GDRP) chỉ đạt 2.020 tỷ đồng. Đến năm 2023, GRDP toàn tỉnh đạt mức 220.222 tỷ đồng và xếp thứ 9 cả nước; ước tính GRDP cả năm 2024 tăng từ 5-6,5% so với năm 2023. Với việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế qua các năm (đặc biệt giai đoạn 1997 - 2022 đạt mức tăng trưởng khoảng 13%/năm).

Năm 1997, cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 45%; công nghiệp và xây dựng chiếm 23,8%; dịch vụ chiếm 31,2%. Với sự góp mặt của các doanh nghiệp FDI thuộc các tập đoàn lớn đầu tư vào các ngành công nghiệp đã góp phần đưa khu vực công nghiệp - xây dựng tăng nhanh về quy mô và đóng góp lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đến năm năm 2024, công nghiệp - xây dựng chiếm 70,7%; dịch vụ chiếm 22,4%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4%.

Về phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước.

Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh (giá hiện hành) là 646 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh có 16 Khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển với tổng diện tích 6.397,68ha (có 12/16 KCN đã đi vào hoạt động; có 15 Khu công nghiệp đã được thành lập với diện tích 5.946,99 ha; bên cạnh đó là hệ thống các cụm công nghiệp được xây dựng đồng bộ.

Về thương mại, dịch vụ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; thị trường hàng hóa và dịch vụ mở rộng. Góp phần thu hẹp khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn. Các hoạt động ngoại thương có bước đột phá mạnh mẽ.

Khi mới tách tỉnh, hạ tầng thương mại của tỉnh Bắc Ninh rất lạc hậu và xuống cấp. Đến nay sau 27 năm đầu tư và xây dựng, hạ tầng thương mại của tỉnh Bắc Ninh đã hình thành và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và ứng dụng thương mại điện tử. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm 2024 đạt 74.778 tỷ đồng, cả năm ước đạt 98.000 tỷ đồng, gấp hơn 100 lần năm 1997. Với việc thu hút vốn đầu tư từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhất là trong lĩnh vực điện tử, đã tạo bước đột phá lớn cho hoạt động ngoại thương. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 đạt trên 39 tỷ USD.

Diện tích sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, song song đã thực hiện cơ cấu lại theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu mùa vụ, giống trồng, vật nuôi đã chuyển dịch theo hướng thâm canh, tăng năng suất và giá trị kinh tế. Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chuỗi sản xuất khép kín được nhân rộng.

Giá trị sản xuất trồng trọt trên 01 ha đất canh tác tăng từ 17,2 triệu đồng (năm 1997) lên 126,4 triệu đồng vào năm 2023. Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới được thực hiện có hiệu quả với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tính đến hết năm 2020, 100% các xã trong tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Bắc Ninh là 1 trong 14 tỉnh được công nhận tỉnh nông thôn mới.

Công tác Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo ra không gian và động lực phát triển mới.

Hệ thống đô thị toàn tỉnh được tập trung đầu tư nâng cấp. Năm 1997 toàn tỉnh có 08 đô thị trong đó 01 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Đến nay, toàn tỉnh có 01 đô thị loại I (thành phố Bắc Ninh), 01 đô thị loại III (thành phố Từ Sơn), 03 đô thị loại IV (đô thị Quế Võ, Thuận Thành, Yên Phong), 04 đô thị loại V (thị trấn Lim, huyện Tiên Du; thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình; thị trấn Thứa, huyện Lương Tài; đô thị Nhân Thắng, huyện Gia Bình), tỷ lệ đô thị hóa đạt 60,3% (vượt tỷ lệ cả nước là 42,7%). Phấn đấu trước năm 2030 tỉnh Bắc Ninh có 04 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 02 thị xã: Quế Võ, Thuận Thành; 02 huyện: Lương Tài, Gia Bình. Qua đó phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút vốn đầu tư đạt nhiều thành tựu và có bước phát triển nhảy vọt. Hoạt động hợp tác, xúc tiến, thu hút đầu tư được quan tâm, đến nay tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được vốn của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới như: Samsung, Canon, Nokia-Microsoft, Amkor... và nhiều năm liền đứng đầu cả nước về kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong 9 tháng năm 2024, tổng số vốn cấp mới và đăng ký điều chỉnh tăng thêm đạt khoảng 4,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước; thu hút đầu tư trong nước tăng gấp 2,9 lần về số dự án cấp mới, tăng gấp 3,2 lần về số vốn đăng ký; thành lập mới doanh nghiệp tăng 12,6%.

Thu ngân sách nhà nước đạt cao, chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, hiệu quả; hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng được mở rộng và hoạt động hiệu quả, đảm bảo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1997, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 198 tỷ đồng, không đáp ứng được nhu cầu chi, ngân sách Trung ương phải hỗ trợ một phần. Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước ước trên địa bàn tỉnh đạt trên 31 nghìn tỷ đồng, gấp 147 lần năm 1997, Bắc Ninh hiện là một trong 18 tỉnh/thành phố tự cân đối và có điều tiết về ngân sách Trung ương. Trong 9 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước ước 24.354 tỷ đồng, đạt 78% dự toán, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Chi ngân sách địa phương ước 11.424 tỷ đồng, đạt 54,1% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ.

Từ năm 1997 đến 2023, tổng nguồn vốn huy động tăng gấp gần 1.000 lần, từ 241 tỷ đồng lên 231.193 tỷ đồng; dư nợ cho vay tăng gấp hơn 630 lần, từ 259 tỷ đồng lên 163.295 tỷ đồng. Ước tình hình 9 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn vốn huy động đạt 220 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng tại Hội nghị, ông Lê Xuân Lợi cho rằng, giai đoạn từ năm 1997 – 2022 là giai đoạn tỉnh Bắc Ninh có sự phát triển vượt bậc, tăng trưởng trung bình ở khoảng 13%/năm. Để có sự phát triển của tỉnh Bắc Ninh hôm nay, có sự đóng góp lớn lao của các thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng với sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh.

Lê Đại