Tin địa phương

Vĩnh Phúc: Văn hóa là động lực để phát triển bền vững

Thái Tôn 28/10/2024 - 16:27

Là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế, song song với đó, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Tỉnh Vĩnh Phúc có 9/9 huyện, thành, phố có Trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện bảo đảm theo quy định.

Thực hiện các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, của TW Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 15 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và Nghị quyết số 12 về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19 về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06, 08 về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, trong đó, đặt ra các nhóm mục tiêu, giải pháp cụ thể để phát triển văn hóa Vĩnh Phúc đến năm 2030 nhằm huy động mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa cơ sở, phục vụ và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Trong giai đoạn 2020 - 2023, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề hỗ trợ xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, Làng văn hóa kiểu mẫu như Nghị quyết số 04 về Hỗ trợ hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị thể dục thể thao ngoài trời cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao của các xã, phường, thị trấn và khu thể thao ở các thôn, tổ dân phố; Nghị quyết số 16 quy định mức hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024 - 2025.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư xây dựng và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Toàn tỉnh hiện có 9/9 huyện, thành, phố có Trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện bảo đảm theo quy định; có 136/136 xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa, hội trường từ 250 chỗ ngồi trở lên, trong đó có 105 xã nông thôn mới có Trung tâm Văn hóa, thể thao đạt chuẩn theo quy định 14.000 m2 trở lên; có 1.237/1.237 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao, trong đó có 1.072 thôn đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định. Diện tích bảo đảm từ 800 m2 trở lên, có các công trình như nhà văn hóa thôn, sân tập luyện thể thao đơn giản, thiết bị hoạt động bảo đảm tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, giữ gìn thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống tốt đẹp. Năm 2023, toàn tỉnh có 305.931/325.904 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 93,87%, tăng 1,04% so với năm 2022. Năm 2024 ước đạt trên 93%.

Công tác xây dựng khu dân cư văn hóa được triển khai sâu rộng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Năm 2023, toàn tỉnh có 1.210 /1.237 thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa đạt 97,81% (tăng 3,47% so với năm 2022). Năm 2024, ước đạt trên 97%.

Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được chú trọng, giữ được văn hóa truyền thống, đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh của Nhân dân và du khách thập phương. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi.

Công tác xây dựng gia đình văn hóa được chú trọng, góp phần củng cố nền tảng đạo đức xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.

Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng 28 Khu thiết chế văn hóa thể thao Làng Văn hóa kiểu mẫu.

Vĩnh Phúc tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ tỉnh đến cơ sở, trong đó, coi trọng văn hóa cơ sở, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy xây dựng con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, tạo mọi điều kiện nâng cao mức hưởng thụ và tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa của Nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; đổi mới nội dung và phương thức vận động, tập trung vào bài trừ mê tín dị đoan, tập tục lạc hậu, thương mại hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.

Phát triển mạnh mẽ phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ở cơ sở, thu hút các tầng lớp Nhân dân tham gia hoạt động và hưởng thụ văn hóa.

Với những kết quả đạt được, Vĩnh Phúc đang từng bước xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Với những định hướng phát triển rõ ràng, tỉnh Vĩnh Phúc hứa hẹn sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu mới trong lĩnh vực văn hóa, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh phát triển năng động, văn minh, giàu đẹp.

Thái Tôn