Hiệu quả công tác chuyển đổi số ở xứ Thanh
Với tinh thần thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là động lực của chuyển đổi số, đã mang lại cho tỉnh Thanh Hóa nhiều kết quả quan trọng và tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, trong những năm qua, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực về chuyển đổi số: Năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về xếp hạng chuyển đổi số. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 16, kinh tế số xếp thứ 14, xã hội số xếp thứ 13 (kết quả năm 2023 chưa công bố). Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã có 114 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành chuyển đổi số cấp xã…
Từ triển khai văn bản theo cách truyền thống, đến nay việc trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các quan khối đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 3 cấp trên nền tảng tích hợp dữ liệu của tỉnh; thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Để cụ thể hóa và xác định hướng tới mục tiêu rõ ràng, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành các kế hoạch, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển về vốn, nguồn nhân lực, đặc biệt là Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 28/3/2023 về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 làm cơ sở hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh; trong đó xác định đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 100 doanh nghiệp số; đến năm 2030, có ít nhất 150 doanh nghiệp số; và xác định rõ lộ trình, nhiệm vụ cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra.
Theo ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa phấn đến năm 2025 nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và đến năm 2030 tiếp tục nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và top 5 tỉnh, thành phố đứng đầu về chính quyền số. Đến nay, chính quyền số bước đầu ở Thanh Hóa đạt kết quả khả quan qua việc trao đổi, xử lý văn bản, hồ sơ trên môi trường mạng giữa các cơ quan, chính quyền, đoàn thể trên 3,3 triệu lượt, tỷ lệ ký số cơ quan đạt hơn 98%. Kết quả đó, đồng nghĩa với việc xử lý các đầu việc được giao đúng hạn, mang lại hiệu quả cao, giảm bớt các chi phí, giảm nhũng nhiễu... từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.
Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa có 114/558 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành chuyển đổi số cấp xã. Thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến đứng đầu cả nước với tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 99,51%; kích hoạt thành công gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử, 100% người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát được gần 2,3 triệu mã số thuế cá nhân, đạt tỷ lệ 98,4%; tỷ lệ các DN thực hiện nộp thuế điện tử đạt 84%; 100% DN được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng số DN công nghệ số trên địa bàn là 615 DN…
Thanh Hóa cũng là địa phương có nhiều công cụ số được mở rộng để khách hàng tiếp cận nhiều dịch vụ số. Đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, thành phố thông minh, IoT, AI, big data, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… đến với Thanh Hóa. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 94 dự án đầu tư trực tiếp (có 17 dự án FDI), tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2023, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 12.433 tỉ đồng và 367,8 triệu USD.
Phát biểu tại sự kiện Hội thảo Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa ngày 7/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho hay, có được kết quả trên là do tỉnh Thanh Hóa có lộ trình về chuyển đổi số rất rõ ràng, hợp lý và bố trí nguồn lực phù hợp để tổ chức, sắp xếp các nhiệm vụ chuyển đổi số theo thứ tự ưu tiên (lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; thực hiện chuyển đổi từng lĩnh vực, tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện); thực hiện chuyển đổi số thông qua mô hình thí điểm thành công rồi mới nhân rộng.
Chuyển đổi số ở Thanh Hóa đang mang lại hiệu quả cao, góp phần đưa địa phương này phát triển toàn diện trên các lĩnh vực KT-XH và đời sống. Đây cũng là một trong những khâu đột phá đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới trong khu vực cùng với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh kiểu mẫu vào năm 2045.