Tài chính - Ngân hàng

Bội chi ngân sách giảm, doanh nghiệp phục hồi

Trang Nhi 26/10/2024 - 08:16

Theo Bộ Tài chính, thu NSNN tăng, chi NSNN giảm do các chính sách hỗ trợ về thuế, phí đã đi vào cuộc sống, sản xuất kinh doanh đang đà hồi phục, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Ước bội chi giảm khoảng 10 nghìn tỷ đồng so dự toán

Theo báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 Chính phủ trình Quốc hội của Bộ Tài chính, dự toán thu NSNN năm 2024 được giao là 1.700,99 nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở 9 tháng thực hiện thu NSNN ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2023, Bộ Tài chính đánh giá thực hiện cả năm thu NSNN ước đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so dự toán Quốc hội giao, tăng 6,8% so với thực hiện năm 2023.

10_22_nsnn-cv_22102024200413_132.jpg
Ảnh minh họa.

Trong đó thu ngân sách trung ương ước tăng khoảng 100-110 nghìn tỷ đồng so dự toán; thu ngân sách địa phương tổng thể ước tăng khoảng 60-70 nghìn tỷ đồng so dự toán. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt khoảng 16,5%GDP, riêng thu thuế, phí đạt 13,1%GDP.

Về chi NSNN, ước cả năm chi NSNN đạt 2.281,7 nghìn tỷ đồng, tăng 162,3 nghìn tỷ đồng ( tăng 7,7%) so dự toán, chủ yếu từ nguồn ước vượt dự toán thu.

Căn cứ khả năng thu và đánh giá chi NSNN cả năm nêu trên, dự kiến bội chi NSNN ước thực hiện khoảng 389,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,4%GDP ước thực hiện, giảm khoảng 10 nghìn tỷ đồng so dự toán; trong đó, dự kiến bội chi NSTW ước bằng dự toán, bội chi NSĐP giảm khoảng 10 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do giảm chi đầu tư nguồn vốn vay của các địa phương.

Theo Bộ Tài chính, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 được triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, phát sinh nhiều khó khăn, thách thức lớn. Ở trong nước, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm; sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực vẫn còn khó khăn; áp lực lạm phát gia tăng do biến động tăng của tỷ giá, điều chỉnh giá điện, tiền lương,…

Trong bối cảnh đó, phát huy vai trò của chính sách tài khóa, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, đã ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành các chính sách tài khóa miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, phân bổ sử dụng nguồn lực chi NSNN tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.

Tiếp tục siết kỷ cương tài chính, đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính, sở dĩ thu NSNN tăng, chi NSNN giảm do các chính sách hỗ trợ về thuế, phí đã đi vào cuộc sống, doanh nghiệp phục hồi đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN; tăng cường công tác quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo hoàn thuế đúng quy định của pháp luật; tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hiện đại công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử,...

Trong quá trình điều hành, để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành đồng bộ các giải pháp chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Với các giải pháp đã triển khai, kết hợp với đà phục hồi của nền kinh tế đã tác động tích cực đến kết quả thu NSNN năm 2024.

Tại báo cáo, Bộ Tài chính cũng nêu rõ các giải pháp nhằm hoàn thành dự toán ngân sách năm 2024, năm 2025 và 3 năm 2025-2027. Trong đó, thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững...

Bộ Tài chính cho biết, tiếp tục triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm, tiết kiệm thêm 5% dự toán chi thường xuyên được giao. Tập trung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, các chính sách, chế độ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trang Nhi