Cà Mau: Nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng
Với lợi thế từ hệ sinh thái đa dạng, phong phú đặc biệt là việc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ, nơi được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới là điều kiện để tỉnh Cà Mau phát triển mô hình du lịch xanh, du lịch sinh thái cộng đồng trong thời gian tới.
Vị trí địa lý góp phần phát triển du lịch
Cà Mau là địa phương có vị trí ba mặt giáp biển, tỉnh này được xem là vùng bán đảo có giá trị kinh tế, sinh quyển và du lịch cao trong cả nước. Đồng thời, cũng là một trong những ngư trường đánh bắt thủy sản lớn nhất Việt Nam, có tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và đăc biệt là phát triển du lịch sinh thái với trên 100.000 ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Với sự đa dạng, phong phú của sản phẩm du lịch từ lợi thế hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt của hai Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh hạ… Đặc biệt, Cà Mau đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030 theo Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 18/6/2018; đây là điều kiện thuận lợi, là tiền đề quan trọng trong quá trình phát triển du lịch tỉnh Cà Mau, nhất là việc xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước.
Với tính đa dạng về tài nguyên du lịch, trong đó có nhiều tài nguyên khá đặc sắc, Cà Mau hoàn toàn có cơ sở để phát triển những sản phẩm du lịch không trùng lặp không chỉ đối với hoạt động phát triển du lịch của bản thân địa phương Cà Mau, mà còn sẽ không trùng lặp với sản phẩm du lịch nhiều địa phương khác trong khu vực.
Hơn nữa các tài nguyên này được phân bố ở các vị trí khá thuận lợi cho việc khai thác phục vụ phát triển du lịch, thuận lợi cho việc tổ chức các loại hình tham quan du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch trở về với cội nguồn, du lịch tham quan làng nghề, du lịch văn hoá lễ hội, du lịch cộng đồng gắn với sinh thái nhân văn của cộng đồng dân cư địa phương, nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá, trải nghiệm... đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển du lịch của khu vực và trên thế giới có sức cuốn hút du khách hết sức mạnh mẽ...
Khi người dân và doanh nghiệp cùng làm du lịch sinh thái cộng đồng
Huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) là một trong những địa phương có sự chuyển biến rõ nét nhất về hiệu quả mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đem lại. Từ 4 hộ ban đầu được tổ chức Sida - Thụy Điển tài trợ, thuộc Dự án “Mô hình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường đất ngập nước ven biển, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau”. Đến nay, trên địa bàn xã Đất Mũi, đã có hơn 10 hộ bắt tay thực hiện mô hình du lịch sinh thái cộng đồng.
Theo đó, các hộ dân tận dụng mặt nước nuôi trồng các loại thủy, hải sản, chế biến thức ăn, quà lưu niệm, các hộ dân làm du lịch còn trồng thêm một số loại cây ăn trái, giữ gìn cảnh quan môi trường rừng ngập mặn để các loài chim tìm về trú ngụ, tạo sức hấp dẫn thu hút khách tham quan.
Song song đó, các hộ làm du lịch cộng đồng cũng đầu tư xây dựng phòng nghỉ để du khách lưu trú qua đêm tham gia hoạt động trải nghiệm. Đồng thời tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, giúp du khách hiểu hơn đời sống, nét sinh hoạt văn hóa bản địa của người dân vùng đất tận cùng cực Nam Tổ quốc.
Ông Trần Văn Hướng, một trong những hộ dân làm du lịch sinh thái cộng đồng ở xã Đất Mũi cho biết: “Nắm bắt được thị hiếu của du khách, đặc biệt là du khách phương xã, tôi đã mạnh dạng đầu tư xây dựng sản phẩm đặc trưng để thu hút khách, quảng bá điểm đến của gia đình trên nền tảng mạng xã hội.
Ở đây, loại hình đặc trưng chính là “Tour một ngày làm nông dân”, tức là mình cho du khách trải nghiệm các công việc thường ngày của người dân vùng Đất Mũi như đặt lờ cua, xổ vuông, bắt ba khía..., đa số du khách được trải nghiệm vô cùng ấn tượng và thích thú,…”.
Bà Trần Thanh Thủy (du khách đến từ TPHCM) cho biết, mỗi lần du lịch tại Cà Mau tôi cùng bạn bè rũ nhau thực hiện chuyến du lịch xuyên rừng Đất Mũi, được trải nghiệm sông nước, được trực tiếp bắt ốc len, nướng cá thồi lồi, được trải nghiệm cuộc sống dân dã khiến tôi vô cùng thích thú. Mặc dù, du lịch cộng đồng ở Đất Mũi còn đơn sơ, mộc mạc, chưa được đầu tư nhiều so với những nơi khác, nhưng điều đó lại tạo ra sự ấn tượng với tôi”.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ điểm du lịch sinh thái cộng đồng Đất Mũi - Hoàng Hôn cho biết, đơn vị không ngừng đổi mới sản phẩm du lịch để phục vụ khách tốt nhất. Hiện tại, ngoài các dịch vụ đặt lờ cua, xổ vuông, bắt ba khía... điểm du lịch còn kết hợp với Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi tổ chức cho du khách trải nghiệm hoạt động mò nghêu, sau đó tự tay chế biến, thưởng thức đặc sản mình bắt được.
“Mình phục vụ khách tốt, khách vui vẻ, hài lòng về chuyến đi, chắc chắn sẽ còn quay lại hoặc khi về sẽ giới thiệu nhiều người cùng đến. Đó là điều mà điểm du lịch cộng đồng ở đây hướng tới", ông Kiên chia sẻ.
Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, việc phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đã qua không chỉ giúp người dân sống dưới tán rừng cải thiện cuộc sống, mà còn góp phần làm phong phú, đa dạng thêm sản phẩm du lịch của tỉnh Cà Mau, qua đó ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước đến tỉnh tham quan.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún; nhiều sản phẩm còn đơn điệu chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh thu hút các dự án phát triển du lịch có quy mô lớn tại Khu vực rừng ngập mặn, cũng như khu vực rừng tràm, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng mang tính bền vững.
Đồng thời nâng cao phát triển ý thức cộng đồng, tạo điều kiện và nâng cao khả năng của cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên thông qua chia sẻ lợi ích từ hoạt động kinh doanh du lịch cho cộng đồng địa phương; khuyến khích cộng đồng đầu tư trực tiếp, tạo ra sản phẩm du lịch.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, hiện nay toàn tỉnh 84 cơ sở lưu trú du lịch với 2.683 phòng (trong đó có 15 cơ sở được thẩm định xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 947 phòng và 41 cơ sở được công nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch với 940 phòng).
Toàn tỉnh có 34 khu, điểm và hộ du lịch cộng đồng, 02 khu được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh; có 10 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động lữ hành (trong đó có 06 công ty lữ hành nội địa, 01 công ty lữ hành quốc tế đã được cấp giấy phép kinh doanh; 01 Văn phòng đại diện; 02 chi nhánh).
Sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid – 19 (Năm 2020 -2022). Từ Quý II/2022 tình hình dịch COVID-19 dần ổn định, lượng khách du lịch đã có sự tăng trưởng trở lại.
Năm 2024 ngành du lịch Cà Mau phấn đấu đạt: Tổng số khách du lịch: 2.350.000 lượt (khách trong nước: 2.337.000 lượt; Khách quốc tế: 13.000 lượt). Tổng thu du lịch: 3.480 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2024, tổng lượt khách đạt 1.665.106 lượt, đạt 71% so kế hoạch năm 2024. Tổng thu đạt 2.402 tỷ đồng, đạt 69% so kế hoạch năm 2024. Công suất sử dụng phòng đạt 60%.