Hậu Giang tiên phong thực hiện sản xuất lúa phát thải thấp
Ngày 25/10, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại tỉnh Hậu Giang.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, tỉnh Hậu Giang được lựa chọn là địa phương thí điểm thực hiện Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải-chiến lược quan trọng của nền nông nghiệp Việt Nam.
Để triển khai Đề án, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 21/5/2024 về thực hiện Đề án tại tỉnh Hậu Giang năm 2024 - 2025 và Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 12/9/2024 về triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
“Ngay sau khi Bộ NN&PTNT chính thức phát động thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, địa phương đã phát động chương trình này và nhận được sự đồng tình ủng hộ và tham gia của bà con nông dân, HTX và doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết.
Theo ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, để thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải, địa phương đã lựa chọn 6 vùng trồng lúa trọng điểm ở TP. Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và cá huyện: Vị Thủy, Châu Thành A, Long Mỹ và Phụng Hiệp để tập trung củng cố các diện tích được đầu tư từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT).
Đồng thời tỉnh Hậu Giang cũng triển khai thực hiện mô hình thí điểm cấp tỉnh với diện tích 180 ha tại TP. Vị Thanh; mô hình thí điểm cấp huyện tại huyện Long Mỹ, Châu Thành A.
Các mô hình thí điểm sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP kết hợp với áp dụng cơ giới hoá để thúc đẩy liên kết sản xuất-tiêu thụ, giảm lượng giống gieo sạ; kiểm soát sinh vật gây hại trên lúa với giải pháp như không phun thuốc hóa học trừ sâu rầy trong giai đoạn 40 ngày đầu sau khi sạ; sử dụng chế phẩm sinh học đẩy nhanh quá trình phân huỷ rơm rạ (tạo nguồn phân hữu cơ cho lúa sử dụng; không đốt rơm, rạ…
Qua so sánh năng suất trung bình ruộng sản xuất theo mô hình thí điểm cao hơn ruộng đối chứng 0,094 tấn/ha (trung bình ruộng mô hình 7,614 tấn/ha, trung bình ruộng ngoài mô hình 7,52 tấn/ha), về sản lượng cao hơn 3,5 tấn so với ngoài mô hình.
“Nhờ năng suất tăng, bán được giá cao hơn nhưng giảm được các chi phí giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật…nên lợi nhuận và thu nhập của những nông hộ tham gia mô hình thí điểm tăng”, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang Ngô Minh Long cho hay.
Tuy nhiên, ông Long cũng thừa nhận chuỗi giá trị lúa gạo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang gặp một số khó khăn thách thức như diện tích canh tác nhỏ, manh mún, khả năng liên kết gặp nhiều trở ngại; hệ thống thủy lợi, đường giao thông một số nơi chưa hoàn thiện; các mô hình tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi chưa phát triển ổn định, thiếu bền vững…
Để giải quyết những tồn tại này, theo ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về đầu tư vào hạ tầng; xây dựng thương hiệu gạo Hậu Giang; tăng cường đào tạo, chuyển giao công nghệ cho nông dân; liên kết, tiêu thụ sản phẩm; hoàn thiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời địa phương cũng xây dựng các công trình thủy lợi và hoàn thiện hệ thống kênh mương kết hợp với giao thông nội đồng để chủ động tưới, tiêu, quản lý nước và thuận lợi cho máy móc vận hành,... đủ tiêu chí thực hiện vùng sản xuất lúa thí điểm chất lượng cao, giảm phát thải với diện tích gần 1.500ha của gần 1.000 nông hộ đăng ký tham gia thí điểm.