Tin địa phương

Nợ thuế - 'Bài toán' khó cho cơ quan thuế

Quang Thạnh 25/10/2024 - 14:44

Theo số liệu báo cáo của Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 30/09/2024, tổng số tiền nợ thuế trên địa bàn đã lên tới hơn 770 tỷ đồng, tăng 26,7% so với đầu năm (thời điểm 31/12/2023). Điều này đặt ra thách thức lớn cho các cơ quan thuế trong việc thu hồi nợ đọng và quản lý nguồn thu từ ngân sách.

Để ứng phó với tình trạng nợ thuế gia tăng, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường triển khai các biện pháp đồng bộ trong công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đối với những đối tượng phải cưỡng chế theo quy định pháp luật. Những biện pháp này bao gồm:

tru-so-cuc-thue-tinh.jpg
Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế

Rà soát và phân loại nợ, Cục Thuế tập trung xác định chính xác các khoản nợ thuế và phân loại theo quy định. Đặc biệt chú trọng đến các khoản nợ đã quá hạn và những trường hợp có dấu hiệu gian lận.

Thông báo và nhắc nhở, các thông báo về tiền thuế nợ được ban hành theo mẫu số 01/TTN. Cơ quan thuế cũng sử dụng nhiều kênh thông tin, từ hệ thống điện tử, điện thoại đến email, để nhắc nhở người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Cưỡng chế nợ thuế, đối với những người nộp thuế cố tình không thực hiện nghĩa vụ, Cục Thuế đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế theo quy định pháp luật. Các biện pháp này bao gồm trích tiền từ tài khoản ngân hàng, khấu trừ lương hoặc thu nhập, dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, ngừng sử dụng hóa đơn, kê biên và bán đấu giá tài sản, và thu hồi giấy phép kinh doanh.

Đặc biệt, các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh và có dấu hiệu vi phạm pháp luật được cơ quan thuế chú trọng theo dõi. Thông tin về những người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước cũng được công khai, theo quy định tại Điều 100 Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Xử lý nợ khó thu, đối với những khoản nợ thuế không còn khả năng thu hồi, Cục Thuế đã lập thủ tục và hồ sơ xử lý, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Những trường hợp này được xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, với mục tiêu giảm thiểu nợ xấu và giảm gánh nặng cho hệ thống thuế.

Một điểm nổi bật trong công tác thu hồi nợ là việc triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, theo Quyết định số 2408/QĐ-UBND ngày 12/9/2024 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành, cơ quan và đơn vị liên quan đã giúp tăng cường hiệu quả trong công tác thu hồi nợ đọng, đặc biệt đối với các khoản nợ kéo dài như tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

hoi-nghi-doi-thoai-dn.jpg
Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đối thoại Doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ.

Bên cạnh các biện pháp cứng rắn, Cục Thuế cũng chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật thuế. Việc tổ chức các buổi làm việc với doanh nghiệp và người nộp thuế giúp cơ quan thuế lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ.

Cùng với đó, Cục Thuế còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tối ưu hóa công tác quản lý và cưỡng chế tiền thuế nợ, đảm bảo nguồn thu từ ngân sách nhà nước được quản lý một cách hiệu quả nhất. Thách thức về nợ thuế trong bối cảnh kinh tế khó khăn đang là bài toán lớn, đòi hỏi sự quyết tâm và linh hoạt từ phía cơ quan thuế.

Quang Thạnh