Tin địa phương

Vĩnh Phúc: Không đánh đổi môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế

Thái Tôn - Anh Đức 25/10/2024 - 13:55

Với quyết tâm trở thành tỉnh công nghiệp phát triển vào năm 2025, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để định hình một mô hình phát triển "xanh" và bền vững.

Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) tập trung đổi mới công nghệ hướng đến tăng trưởng xanh.

Hành trình từ "nâu" sang "xanh"

Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại và nguồn nhân lực dồi dào, Vĩnh Phúc đã trải qua chặng đường ấn tượng trong việc thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp. Từ chỉ có 8 dự án FDI và 1 dự án DDI vào năm 1998, nay tỉnh đã thu hút được 493 dự án FDI và 841 dự án DDI.

Sau gần 30 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành một "điểm sáng" trong thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp ở khu vực miền Bắc. Thay vì đánh đổi môi trường để theo đuổi tăng trưởng kinh tế đơn thuần, tỉnh Vĩnh Phúc đã kiên trì với phương thức phát triển "xanh" và "bền vững", ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao.

Với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển vào năm 2025, Vĩnh Phúc đang tập trung vào các giải pháp như phát triển công nghiệp theo chiều sâu, xây dựng đô thị hiện đại và bền vững, thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao. Việc khai thác lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng hiện đại và nguồn nhân lực dồi dào đã giúp tỉnh trở thành cầu nối quan trọng giữa các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng sông Hồng.

Trong quá trình phát triển, Vĩnh Phúc đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, như Công ty Toyota Việt Nam, không chỉ tập trung phát triển sản xuất kinh doanh mà còn chú trọng đến việc bảo vệ môi trường. Công ty đã thành lập Ủy ban Môi trường, triển khai chu trình xanh khép kín, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, công ty đã giảm được gần 6.300 tấn khí CO2, 23 tấn chất thải và 25.500 m3 nước thải.

Ngoài thu hút các doanh nghiệp lớn, Vĩnh Phúc cũng đã thành công trong việc thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, các dự án lớn sở hữu công nghệ cao, hướng tới phát triển bền vững. Điều này nhờ vào việc tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành và triển khai đồng bộ các chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Công ty cổ phần tập đoàn CNCTech, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái giúp tiết kiệm trung bình 2/3 chi phí điện năng.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Để phát triển kinh tế xanh không phải là một con đường dễ dàng. Vĩnh Phúc vẫn đang phải đối mặt với các thách thức liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, như thiếu nhà máy xử lý rác thải, nước thải; một số lượng lớn các dự án sản xuất nhỏ lẻ bên ngoài các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, việc thiếu các chương trình đào tạo chuyên sâu và đầu tư hạn chế vào giáo dục, nâng cao kỹ năng cho người lao động đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, làm giảm sức cạnh tranh của tỉnh đối với các nhà đầu tư có công nghệ cao và thân thiện với môi trường.

Để vượt qua những thách thức này, Vĩnh Phúc đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ hoạt động và phát triển bền vững; Xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, sản xuất xanh và thân thiện với môi trường; Tổ chức các diễn đàn, hội thảo để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật xu hướng mới nhất trong phát triển bền vững; Thu hút các nguồn lực tài chính xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, và thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trên hành trình phát triển công nghiệp xanh, Vĩnh Phúc đã và đang khẳng định, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hoàn toàn có thể cùng tồn tại và phát triển bền vững. Câu chuyện của Vĩnh Phúc không chỉ là bài học cho các địa phương khác, mà còn là một thông điệp mạnh mẽ về những ưu tiên mà các tỉnh, thành cần có trong quá trình đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp xanh và phát triển bền vững.

Thái Tôn - Anh Đức