Quảng Nam tháo điểm nghẽn Dự án khơi thông sông Cổ Cò
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa có chuyến thị sát thực tế đối với Dự án nạo vét sông Cổ Cò đoạn từ Km14+00 - Km19+456 yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương sớm lên phương án để tiếp tục thực hiện.
Chiều 24/10, chia sẻ tại buổi kiểm tra thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết thừa nhận đoạn Km14+00 - Km19+456 của dự án đang gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương không được bàn lùi, đặt quyết tâm chính trị cao để sớm tái khởi động dự án. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam và UBND TX Điện Bàn cần tiếp tục thực hiện dự án nhưng bằng nguồn lực đầu tư công và triển khai quy trình như lập một dự án mới.
“Dự án sông Cổ Cò không chỉ đơn thuần là chuyện nạo vét. Đây còn là liên kết du lịch, giao thương kết nối từ Đà Nẵng đến Hội An. Một khi dự án hoàn thành, phát triển hai bên bờ sông sẽ mở ra cơ hội mới cho TX Điện Bàn nói riêng và Quảng Nam nói chung. Do đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam quyết tâm triển khai” – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam chia sẻ.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, muốn dự án sớm khởi động trở lại thì cần xem xét bố trí trước một phần kinh phí. Nguồn vốn ban đầu có thể từ đầu tư công trung hạn trong kỳ 2021 - 2025 để phục vụ công tác GPMB. Sau đó, dự án tiếp tục triển khai trong thời kỳ đầu tư công trung hạn 2026 - 2030.
Đại diện UBND TX Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết, phân đoạn 2 dự án có tổng chiều dài 5,46km với tổng diện tích hiện trạng GPMB lên đến 88,78ha. Trong đó, phần diện tích mặt sông tự nhiên không bồi thường về đất khoảng 42,07ha; phần diện tích đất nông nghiệp và đất khác cần bồi thường về đất là 46,71ha.
Hiện vẫn còn hơn 30ha diện tích chưa thực hiện bồi thường, GPMB với hơn 500 hộ bị ảnh hưởng. Tổng nguồn kinh phí dự kiến bố trí thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho phần còn lại của dự án khoảng 180 tỷ đồng.
Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng yêu cầu UBND TX Điện Bàn chỉ đạo khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ liên quan để kịp thời phê duyệt phương án bồi thường, GPMB các thửa đất còn tồn đọng.
Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam phối hợp với các sở, ngành và địa phương để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền sớm bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn để tiếp tục triển khai thực hiện. Đề xuất phương án xử lý đối với chi phí phục vụ công tác bồi thường, GPMB đã thực hiện và tổ chức quản lý tốt hiện trạng khu vực thực hiện dự án để thuận lợi cho việc tiếp tục triển khai thi công.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với địa phương để kiểm tra, rà soát các công trình cầu trên tuyến sông Cổ Cò. Từ đó đánh giá cụ thể lại toàn bộ các công trình cầu để đề xuất các phương án tháo dỡ, gia cố hoặc đầu tư xây dựng mới, tham mưu UBND tỉnh xem xét chỉ đạo thực hiện.
Được biết, Dự án nạo vét sông Cổ Cò (đoạn Km14+00 - Km19+456) thuộc Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An (trước đây là Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò).
Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Công ty Cổ phần Bách Đạt An và Công ty Cổ phần đô thị Đất Quảng làm chủ đầu tư để thực hiện nạo vét, khơi thông dòng sông. Nhưng đến ngày 22/5/2019, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn số 2826/UBND-KTN về việc tạm dừng thực hiện.
Đến tháng 8/2019, Quảng Nam thống nhất bổ sung Dự án nạo vét, khơi thông dòng sông Cổ Cò (phân đoạn 2 từ Km14+00 - Km19+456) vào Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An và giao cho UBND TX Điện Bàn tiếp tục triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Trung tâm Phát triển quỹ đất làm đại diện chủ đầu tư Tiểu dự án bồi thường, GPMB.
Tháng 12/2023, UBND tỉnh có Công văn số 9215/UBND-KTN về việc dừng kỹ thuật một số hạng mục thuộc Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An. Trong đó có gói thầu HA/W3-2 nạo vét sông Cổ Cò với lý do công tác GPMB vướng mắc kéo dài và vốn ODA hết hiệp định vay.
Từng được kỳ vọng là dự án "giải cứu", làm sống lại dòng sông Cổ Cò nối Đà Nẵng và Quảng Nam, hai địa phương bắt tay nhau thực hiện các dự án nạo vét, khơi thông dòng sông. Mục tiêu là biến dòng sông thành tuyến du lịch đường thủy, tạo bộ mặt mới cho bức tranh đô thị từ Đà Nẵng về Hội An, tăng cường khả năng thoát lũ, làm đẹp cảnh quan hai bên lòng sông. Đến nay, tổng mức đầu tư cho các công trình, hạng mục liên quan đến sông Cổ Cò đã lên đến khoảng 1.100 tỷ đồng, tuy nhiên, thực tế dường như Dự án này đang bị “tắc”.