Gian nan hành trình ngăn “bão” trong mây
Đời sống - Ngày đăng : 06:10, 15/06/2017
Tiêu điều vì ma túy
Thời gian gần đây, tình hình hoạt động tội phạm và các tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, chủ yếu là hoạt động mua bán lẻ, tổ chức sử dụng ma túy và sử dụng trái phép các chất ma túy với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động đa dạng, tinh vi và cảnh giác cao nhằm chống lại sự phát hiện và kiểm soát của các cơ quan chức năng, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện và đấu tranh phòng chống tội phạm của các lực lượng chức năng.
Đây là địa bàn có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn. Bên cạnh đó, tình hình di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật và một số hoạt động tội phạm, như buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới; mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý; tàng trữ vũ khí... diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, lợi dụng địa hình phức tạp, nhiều đối tượng tội phạm ma túy đã chọn Mường Tè để mua bán, vận chuyển ma túy.
Người nghiện ở Mường Tè được vận động đi uống Methadone
Do tập tục lạc hậu và sức hút của đồng tiền, một bộ phận đồng bào vẫn rơi vào vòng xoáy ma túy, kéo theo đó là tù tội hay đói nghèo và lạc hậu. Cùng với đó là tình trạng nghiện và tái nghiện ma túy vẫn còn ở hầu hết các xã, trong đó tập trung nhiều ở các xã Tà Tổng, Pa Ủ, Hua Bum, Nậm Hàng... Tà Tổng là địa bàn có số người nghiện ma túy nhiều nhất, tiếp theo là thị trấn huyện và xã Nậm Hàng. Trong số các con nghiện đã có không ít người bị nhiễm HIV/AIDS.
Đồng bào Bum Nưa chờ đến giờ uống Methadone
Tình trạng nghiện hút ma túy ở Mường Tè chủ yếu là do đồng bào dân tộc ở các thôn, bản vùng cao trước đây vẫn thường trồng cây thuốc phiện để hút chơi. Sau này, khi hoạt động trồng cây thuốc phiện bị cấm, nhiều hộ vẫn lén lút trồng ở những khoảng đất trên núi cao, trong rừng sâu, xa khu dân cư để sử dụng. Điều đáng nói là phần lớn những đối tượng nghiện hút đều đang ở độ tuổi lao động và cũng không chỉ có nam giới, mà nhiều phụ nữ dân tộc cũng mắc nghiện. Kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết, nhiều cặp bố mẹ lại nghiện hút nên không ít những đứa trẻ suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ…
Không chỉ ở các xã vùng cao, ngay như tại một số xã, bản ở vùng thấp như Nậm Củm, Bum Nưa…với điều kiện phát triển nông nghiệp khá thuận lợi nhưng tình trạng nghiện ma túy vẫn còn. Phương thức sản xuất lạc hậu, lại thêm tệ nạn nghiện hút nên nhiều hộ ở những xã, bản này rơi vào danh sách hộ nghèo là điều khó tránh khỏi. Mà muốn đuổi được “giặc đói” thì trước hết phải ngăn được “cơn bão trắng”, dẹp được tệ nạn nghiện hút đang hoành hành. Còn người nghiện thì cuộc sống của đồng bào còn khổ…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động
Trước tình đó, các lực lượng chức năng của tỉnh Lai Châu cũng như của huyện Mường Tè đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, lực lượng tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng chống ma túy. Lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy (PCTPMT) của Công an, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các đồn biên phòng triển khai các chương trình, mục tiêu về phòng, chống ma túy. Thông qua đó đã tạo ra được sự chuyển biến tích cực trong mọi tầng lớp nhân dân, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia phong trào phòng chống ma túy với nhiều hình thức và biện pháp thiết thực.
Các đồn, trạm biên phòng đóng chân trên địa bàn cùng với lực lượng Công an huyện thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy cho nhân dân các xã biên giới. Thông qua các già làng, trưởng bản và người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, giúp cho mọi người hiểu rõ được hậu quả, tác hại của ma túy, hiểu biết luật Phòng chống ma túy. Công tác tuyên truyền cũng đa dạng với nhiều nội dung, hình thức phong phú, được lồng ghép trong các hội nghị sơ, tổng kết, các buổi tọa đàm, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hay tại các phiên chợ... Nhờ đó, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân về công tác phòng, chống ma túy được nâng lên rõ rệt, tạo được dư luận xã hội rộng khắp trong việc kiên quyết đấu tranh bài trừ tệ nạn ma túy.
Lực lượng PCTPMT BĐBP Lai Châu còn tổ chức điều tra cơ bản, đi sâu nắm tình hình, thống kê, đánh giá thực trạng tình hình tệ nạn ma túy tại các xã biên giới. Xác định tuyến, địa bàn trọng điểm về ma túy để tập trung lực lượng đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy. Ngoài việc tăng cường công tác nắm tình hình tại các tuyến, địa bàn trọng điểm về ma túy, thời gian qua, lực lượng PCTPMT của BĐBP còn thường xuyên xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy; củng cố về chất lượng và số lượng đối với lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy tại các đồn biên phòng. Duy trì và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng đứng chân trên biên giới đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh phía Trung Quốc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm.
Bên cạnh đó, các đồn biên phòng thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân không tái trồng cây thuốc phiện, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp cố ý tái trồng cây thuốc phiện. Đồng thời các đồn, trạm cũng tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức lồng ghép các chương trình xóa bỏ và thay thế cây thuốc phiện với các chương trình dự án phát triển kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các xã biên giới qua đó góp phần vào việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy cũng như tội phạm ma túy trên địa bàn các xã biên giới.
Xóa nghiện để giảm nghèo
Cùng với việc vận động, tuyên truyền người dân không tái trồng cây thuốc phiện và nói “không” với ma túy, chính quyền huyện Mường Tè cũng đã triển khai nhiều biện pháp mạnh nhằm cải thiện tình hình như: Cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương mở những đợt cao điểm phá nhổ cây thuốc phiện. Đã có nhiều đối đối tượng bị bắt vì tái trồng cây thuốc phiện và phải chịu các mức án nghiêm khắc. Hàng năm, lực lượng công an huyện đã mở các đợt tấn công truy quét, bóc gỡ nhiều đường dây buôn bán nhỏ lẻ và cung cấp từ bên ngoài vào huyện. Nhiều đối tượng đã phải ngồi tù với nhiều mức án khác nhau nhưng hêrôin vẫn được tuồn vào địa bàn bằng nhiều con đường và nhiều hình thức.
Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, các dự án hỗ trợ của Nhà nước đầu tư cho huyện Mường Tè đã mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống người dân dần được nâng lên, tỷ lệ đói nghèo đã giảm. Đây là một minh chứng đáng ghi nhận đối với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện. Ngoài việc tập trung các nguồn lực của nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống như: giao thông, thuỷ lợi, cung ứng giống, phân bón, tấm lợp…, Mường Tè còn chủ động xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện dạy nghề cho dân bản, ủng hộ bút sách, quần áo và những vật chất khác hỗ trợ nhân dân.
Với những bản có tỷ lệ nghiện hút cao như Nậm Củm (xã Bum Nưa), UBND huyện Mường Tè đã thành lập tổ công tác trực tiếp chỉ đạo giải quyết tệ nạn ma túy. Cụ thể như: phân loại đối tượng nghiện để đưa đi trung tâm cai nghiện tập trung; kiến nghị với Sở Y tế bổ sung thuốc methadone và đội ngũ y, bác sĩ, thành lập tổ cai nghiện cắm tại bản để cai nghiện cho người nghiện bằng methadone. Thành viên tổ công tác của huyện trực tiếp xuống các bản ăn cùng, ở cùng, làm cùng, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng dạy nghề cho nhân dân về chăn nuôi, trồng trọt; triển khai các mô hình khuyến nông, khuyến lâm tại bản và đặc biệt là làm sao cho bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất...
Trưởng bản Nậm Củm Lò Y Van cho biết: “Thuốc phiện đã đưa bà con bản mình sống chung với đói nghèo và lạc hậu nhiều năm qua. Không ít lần Nhà nước đầu tư cây, con giống, thậm chí là cả dụng cụ sản xuất như: cày, cuốc... cũng đều bị số người nghiện trong bản đem bán mua thuốc phiện hết. Cuộc sống của bà con trong bản chỉ thực sự đổi thay khi chính quyền tạo điều kiện cho bà con trong bản về dưới huyện cai nghiện...”.
Rõ ràng, trong muôn vàn cái khó đối với huyện vùng cao Mường Tè, vấn đề phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội vẫn tiếp tục là một khó khăn lớn. Cuộc sống của bà con đã và đang dần được cải thiện. Mặc dù đã được Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Tè nhiều năm qua nỗ lực vào cuộc, nhưng cuộc chiến chống ma túy trên địa bàn này vẫn còn rất nhiều cam go, thử thách.