Vĩnh Long: Trưởng Công an huyện có lời lẽ khiếm nhã với phóng viên
Đời sống - Ngày đăng : 23:00, 13/06/2017
Theo trình bày của anh Nguyễn Nhật Huy (phóng viên, bút danh Nhật Huy) và anh Nguyễn Trung Tính, là CTV của báo Tiền Phong, qua đơn phản ánh của người dân tại xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình về việc ngành chức năng cho xây dựng cống thủy lợi và ngăn dòng chảy của rạch Đình Bến Xe gây ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu khoảng 200ha hoa màu của người dân trong xã, đồng thời cũng khiến việc vận chuyển hàng hóa nông sản gặp khó khăn.
Đại tá Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Công an huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (người đeo mắt kính) mời báo chí về trụ sở làm việc bằng những lời lẽ xưng hô "khiếm nhã"
Sau khi nhận được phản ánh từ người dân, sáng ngày 12/6, anh Nhật Huy cùng với anh Trung Tính xuống địa bàn xác minh thông tin thì bị ông Châu Minh Tâm, Phó trưởng Công an xã Ngãi Tứ cùng hai Công an viên đến mời về trụ sở Ban nhân dân ấp Đông Phú để làm việc với Trưởng Công an huyện Tam Bình.
Tại đây, anh Huy và anh Tính xuất trình giấy tờ giới thiệu của báo Tiền Phong cấp còn hạn sử dụng nhưng chính quyền địa phương cho rằng anh Huy và anh Tính đến địa phương tác nghiệp tạo ra “điểm nóng” trong khi địa phương đang yên ổn. Đáng chú ý, trong lúc làm việc với cơ quan chức năng, nhiều người đại diện chính quyền huyện Tam Bình, trong đó có cả Trưởng Công an huyện Tam Bình là Đại tá Nguyễn Văn Dũng đã có những lời lẽ "khiếm nhã", xưng hô không đúng mực đồng thời cấm phóng viên đến tác nghiệp tại địa phương khi chưa được họ cho phép. Sự việc trên được anh Huy ghi hình từ đầu đến cuối.
Cũng tại nơi anh Huy và anh Tính bị mời về làm việc, ông Bùi Văn Tiến – Bí thư kiêm Trưởng ấp Đông Phú cho rằng: “Các anh đến đây phải hỏi chính quyền hoặc vào xã, khi xã giới thiệu ra đây, các anh phải trình giấy giới thiệu của xã. Các anh đến địa phương tôi thì phải gặp tôi vì bây giờ có nhiều người lừa đảo nên phải yêu cầu như vậy”.
PV Nhật Huy tường trình vụ việc
Anh Huy và anh Tính giải thích cho những người có mặt tại đây rằng, sau khi đi xác minh xong sẽ làm việc với chính quyền, đồng thời yêu cầu những người đại diện chính quyền không nên xưng hô "khiếm nhã" như vậy khi làm việc. Một người đi cùng Trưởng Công an huyện Tam Bình đã đáp lại: “Mấy anh cũng thông cảm cho tụi tui vì tụi tui tiếp xúc với tội phạm nhiều”.
Sau đó, Trưởng Công an huyện yêu cầu Công an xã lập biên bản với nội dung: “Công trình cống hở tại xã Ngãi Tứ đang trong tình trạng yên ổn, tuy nhiên khi phóng viên đến địa phương không xuất trình giấy tờ mà tự ý quay phim phỏng vấn người dân tại khu vực trên làm cho người dân tập tụ đông người tạo thành điểm nóng trên địa bàn nên chúng tôi tiến hành lập biên bản yêu cầu các anh nhà báo không được đến chỗ công trình thi công cống hở. Nếu xuống hoạt động phải xin phép chính quyền địa phương”.
Trước đó, vào tháng 5/2016, trên Quốc lộ 54 (đoạn qua xã Tân Bình, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 2 người tử vong tại chỗ. Khi PV Hạnh Nguyễn - Báo Giao thông thường trú tại ĐBSCL nhận được thông tin đến hiện trường xuất trình giấy tờ để được tác nghiệp. Tuy nhiên, Đại úy CSGT Trần Thanh, Công an huyện Bình Tân, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long không cho tác nghiệp và tuyên bố giấy tờ mà PV Hạnh Nguyễn là giấy tờ giả. Vị Đại úy này còn khẳng định: “giấy giới thiệu tôi còn làm được”.
Theo Nghị định 159/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, PV bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo, PV khi đang hoạt động nghề nghiệp thì mức phạt sẽ gấp đôi, từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Trường hợp uy hiếp tính mạng nhà báo, PV hoặc cố ý hủy hoại, làm hư hỏng phương tiện, tài liệu của PV, nhà báo có thể bị phạt đến 25 triệu đồng. |