Vấn đề quan tâm

Sẽ sửa đổi 52% điều luật trong Luật Thi hành án dân sự hiện hành

Nguyễn Cúc 24/10/2024 - 11:42

So với luật hiện hành, dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) có 50 điều xây dựng mới, 93 điều được sửa đổi, bổ sung, chiếm 52% tổng số điều luật hiện hành.

Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) với 09 chương và 231 điều, trong đó có 50 điều xây dựng mới, 93 điều được sửa đổi, bổ sung (chiếm 52% tổng số điều luật hiện hành).

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời tạo điều kiện để công tác THADS ngày càng đạt hiệu quả, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc xây dựng Luật THADS (sửa đổi) là cần thiết. Do đó, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Theo đó, Luật THADS (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

tha.jpg
Hình minh họa

Dự thảo Luật THADS (sửa đổi) hiện nay giữ nguyên kết cấu của Luật hiện hành với 09 chương và 231 điều, trong đó có 50 điều xây dựng mới, 93 điều được sửa đổi, bổ sung (chiếm 52% tổng số điều luật hiện hành).

So với Luật THADS hiện hành, dự thảo Luật THADS (sửa đổi) có nhiều điểm mới.

Cụ thể, dự thảo bổ sung phạm vi điều chỉnh; những bản án, quyết định được thi hành (Điều 1, Điều 2) mà các Luật liên quan giao cho cơ quan THADS tổ chức thi hành, gồm: Các biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc pháp nhân thương mại công khai xin lỗi, án phí; phần dân sự khác trong bản án, quyết định hình sự; Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án; những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị theo Điều 482 Bộ luật tố tụng dân sự (Bản án, quyết định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công).

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định về giải thích từ ngữ. Theo đó, bổ sung khái niệm: Người có tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định là người phải thi hành án trong phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm; Người thân thích là vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự; Chi phí thi hành án là các chi phí phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án, bao gồm chi phí cưỡng chế và chi phí khác (Điều 3).

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung nguyên tắc thỏa thuận thi hành án không được vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, người thứ ba hoặc làm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ, phí thi hành án; khi thỏa thuận thi hành án, đương sự phải thỏa thuận về việc thanh toán các khoản phí, chi phí phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án (nếu có), chịu trách nhiệm về nội dung thoả thuận và có nghĩa vụ tự thực hiện đúng nội dung thoả thuận đó (Điều 6).

Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quyền, nghĩa vụ của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như sau:

Người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan THADS và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình; phải bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của pháp luật nếu có các hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến cơ quan thi hành án và người thi hành công vụ trong hoạt động thi hành án; tẩu tán, hủy hoại tài sản; cản trở, chống đối việc tổ chức thi hành án và các hành vi bị cấm khác theo quy định (Điều 8, Điều 55); trường hợp được giao bảo quản tài sản thì phải cam kết sẽ hợp tác, thực hiện đúng yêu cầu của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án (Điều 71, Điều 139); bị áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án như: ngừng sử dụng hóa đơn, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức kinh tế phải thi hành án (Điều 87, Điều 88); bị xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành bản án theo các Điều từ 146 đến 149) về cưỡng chế buộc thực hiện hoặc không được thực hiện hành vi. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung cơ chế phù hợp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với người phải thi hành án (Điều 77) theo hướng rõ và tạo thuận lợi khi thực hiện, có cơ sở để cơ quan thi hành án xử lý hồ sơ.

Người được thi hành án có cơ chế để họ chủ động thực hiện quyền, nghĩa vụ: Bổ sung quyền yêu cầu Tòa án kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định theo quy định của pháp luật; tự mình hoặc ủy quyền cho cho Thừa phát lại xác minh, cung cấp thông tin và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; đề nghị cơ quan THADS yêu cầu giám định thương mại, thẩm định tại chỗ; nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án; được quyền tạm ứng trước chi phí cưỡng chế cho cơ quan thi hành án (Điều 7); cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu khi yêu cầu thi hành án (Điều 42); có trách nhiệm theo dõi, yêu cầu thi hành án trở lại và cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan THADS (Điều 58).

Nguyễn Cúc