Phóng sự - Ghi chép

Bình Dương là điểm đến công nghiệp hấp dẫn bậc nhất Đông Nam Á - Bài 4: Thương hiệu 'Vùng đổi mới, sáng tạo'

Sông Hương - Diệu Ly 24/10/2024 - 07:50

Bình Dương chính là địa phương nhiều năm liền được Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới ICF vinh danh giải thưởng cao nhất của năm về “Thành phố Thông minh - Vùng đổi mới, sáng tạo”, trong đó có phần đóng góp của các khu công nghiệp.

Dọn tổ đón “đại bàng”

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper (CLC), Wu Jung Pin chia sẻ rằng, ông cảm thấy thích thú với môi trường đầu tư tại tỉnh Bình Dương. Ở đây, CLC triển khai đầu tư từ năm 2015, với tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD. Công ty đã hoàn thành giai đoạn 1, 2 và giai đoạn 3 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026. Suốt quá trình đầu tư tại Bình Dương, CLC luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của của chính quyền địa phương. Điều này khiến những nhà đầu tư như CLC cảm thấy được trân trọng. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, CLC vẫn nỗ lực chăm sóc và giữ chân được toàn bộ người lao động, nhờ cải tiến công nghệ, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí giá thành.

a1.-tru-so-cheng-long.jpg
Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper triển khai đầu tư từ năm 2015, với tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD (Ảnh: M.S - H.T)

Ông Wu Jung Pin nói thêm, với mục tiêu phát triển bền vững để đáp ứng yêu cầu của các khách hàng quốc tế lớn, CLC đang thực hiện kinh tế toàn hoàn, sản xuất xanh để tài nguyên hóa nguyên liệu và giảm thiểu phát thải chất thải ra môi trường, giảm phát thải carbon. CLC là công ty giấy đầu tiên tại Việt Nam thực hiện ISO 14064, Kiểm kê khí thải nhà kính theo định hướng của Chính phủ Việt Nam và thế giới.

Ngoài ra, CLC cũng thực hiện Quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 50001 và có ISO 14001 Quản lý môi trường, 45001 Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp… Nhờ vậy, CLC nhiều năm liền được vinh danh trong “Top 100 Doanh nghiệp Bền vững Việt Nam” do VCCI bình chọn. Sắp tới, CLC sẽ đưa dây chuyền sản xuất mới vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 340 triệu USD và công suất đạt 300.000 tấn giấy bao bì/năm.

Giống như CLC, Lego cũng được xem là “đại bàng” tiếp theo đã chọn xây tổ tại Bình Dương, với tổng vốn đầu tư lên tới 1,36 tỷ USD. Nhà máy Lego khởi công từ tháng 11/2022 tại Khu Công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương, dự kiến xuất xưởng sản phẩm “Made in Vietnam” chất lượng cao, trong nửa cuối năm 2024. Dự án này không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn mà còn tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại Bình Dương...

Hiện nay, theo đánh giá của Ban quản lý các KCN thì tình hình thu hút đầu tư từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại. Nguyên nhân chủ yếu: Do tình hình kinh tế khó khăn chung; Quỹ đất sạch còn lại trong các KCN để có thể thu hút đầu tư thực tế không nhiều, đa số là nhỏ lẻ, hoặc ở dạng nhà xưởng cho thuê, không đáp ứng quy mô và nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài (ngoại trừ VSIP III và Bàu Bàng mở rộng thì các KCN mở rộng còn lại hầu hết đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý, vẫn chưa thể cho thuê đất); Giá cho thuê đất tương đối cao so với một số tỉnh lân cận (trung bình khoảng 180 đô/m2).

z5948384208306_c593b054cca8125af9b60ef83d8eb92d.jpg
Bình Dương vẫn sẵn sàng đón đầu dòng dịch chuyển của các nhà đầu tư (Ảnh: M.S - H.T)

Dự lường trước tình hình khó khăn, Ban quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương cũng đã chủ động xây dựng Kế hoạch và giải pháp để thu hút đầu tư trong năm 2024. Theo đó, đơn vị này định kỳ hàng tháng làm việc với các chủ đầu tư hạ tầng các KCN, rà soát nắm nguồn để thu hút; Làm việc với các Chi hội nước ngoài và các doanh nghiệp lớn để tháo gỡ khó khăn và mời gọi đầu tư, đặc biệt là đón đầu dòng dịch chuyển của các nhà đầu tư Đài Loan vào tỉnh (hiện nay có nhiều dự án Đài Loan đang triển khai đầu tư cũng như đang tìm hiểu để đầu tư vào VSIP III).

Bên cạnh đó, chủ trương chung của tỉnh Bình Dương cũng xác định khi thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ cần lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; Ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; Tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng; Xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.

Phát triển khu công nghiệp sinh thái

Năm 2023, Bình Dương đã được Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF) vinh danh giải thưởng cao nhất của năm về “Thành phố Thông minh - Vùng đổi mới sáng tạo”; Trong đó có phần đóng góp không nhỏ của các KCN.

wtc-tower-2-1-scaled.jpg
Bình Dương nhiều năm liền được Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF) vinh danh giải thưởng cao về “Thành phố Thông minh - Vùng đổi mới sáng tạo” (Ảnh: M.S - H.T)

Tổ chức ICF là diễn đàn gồm hơn 200 đô thị thông minh thịnh vượng trên thế giới. ICF thu thập những thông tin, dữ liệu các dự án cụ thể trong quá trình xây dựng và phát triển Thành phố Thông minh của những cộng đồng trên thế giới. Tiến hành nghiên cứu và đánh giá hàng trăm thành phố trên thế giới để lựa chọn ra Top 21 (Smart 21) của năm 2023 có chiến lược phát triển Thành phố Thông minh, sau đó lựa chọn Top 7 và cuối cùng là đánh giá Top 1 Cộng đồng thông minh của năm.

ICF dựa theo bộ 6 tiêu chí bao gồm: Kết nối - Băng thông rộng; Lực lượng lao động; Đổi mới Sáng tạo; Bình đẳng tiếp cận kỹ thuật số; Ủng hộ khích lệ và Bền vững. Khác với những năm trước đây, năm 2023, tổ chức ICF đã làm mới bộ câu hỏi đăng ký Smart 21 và Top 7, tập trung sâu sắc và mạnh mẽ vào những định hướng mang tính chiến lược về Phát triển Bền vững và Tập trung Đổi mới sáng tạo, với những ứng dụng sâu và rộng hơn của công nghệ - kỹ thuật số, trên tinh thần lấy Cộng đồng làm trọng tâm, lấy kết nối thông minh là phương châm phát triển.

Tỉnh Bình Dương cho biết để giữ vững thương hiệu này thì định hướng phát triển KCN của địa phương phải từng bước điều chỉnh, cải tạo và chuyển đổi các KCN hiện hữu theo hướng khu công nghiệp sinh thái. Các dự án đầu tư trong KCN sẽ áp dụng nhiều giải pháp sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất hay tuần hoàn tái sử dụng chất thải trong sản xuất.

Đồng thời, Bình Dương sẽ lựa chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi KCN Bàu Bàng và phát triển mới KCN Cây Trường theo mô hình KCN sinh thái. Hiện tỉnh Bình Dương đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới để nghiên cứu triển khai thí điểm chuyển đổi KCN Bàu Bàng thành KCN sinh thái. Kết quả nghiên cứu này sẽ là tiền đề để chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN sinh thái, cũng như đầu tư xây dựng KCN sinh thái mới trên địa bàn tỉnh trong tương lai.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng định hướng phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, phát triển đô thị gắn với công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao (như ở Thủ Dầu Một); Phát triển đô thị dịch vụ - công nghiệp (Thuận An); Đô thị dịch vụ - giáo dục - công nghiệp (Dĩ An); Trung tâm đô thị Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng (Bến Cát, Tân Uyên); Trung tâm đổi mới sáng tạo - công nghiệp (Bàu Bàng); Nông nghiệp - Công nghiệp - Đô thị (Bắc Tân Uyên, Phú Giáo); Nông nghiệp - Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ du lịch (Dầu Tiếng).

fly-bdnc-2023-6.png
Các dự án đầu tư trong KCN sẽ áp dụng nhiều giải pháp sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất hay tuần hoàn tái sử dụng chất thải trong sản xuất (Ảnh: M.S - H.T)

Trong đó, không gian các đô thị sẽ được ngăn cách qua hệ thống sông rạch tự nhiên, các “nệm” cây xanh, mặt nước trong đô thị, hành lang ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính được kết nối với các không gian mở và hệ thống công viên, vườn hoa để cải thiện cảnh quan, môi trường đô thị; Tiếp tục định hướng phát triển các mô hình khu đô thị thông minh trên cơ sở kết quả của Đề án phát triển Thành phố Thông minh mà tỉnh đã và đang triển khai thực hiện.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng về nội dung kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, tỉnh đã ban hành Kế hoạch về phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn; Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn; Nâng cao năng lực phát triển kinh tế tuần hoàn; Hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tuần hoàn; Nghiên cứu, triển khai kinh tế tuần hoàn trong một số ngành, lĩnh vực; Tăng cường hợp tác quốc tế trong kinh tế tuần hoàn; Tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng bền vững.

Trên cơ sở kế hoạch chung của tỉnh, việc đầu tư xây dựng các KCN và thu hút đầu tư vào các KCN cũng được thực hiện nghiêm túc theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây chính là nền tảng quan trọng để tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Còn tiếp...

Sông Hương - Diệu Ly