Dùng Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa đưa bảo vật "hồi hương"
Thảo luận Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đào Chí Nghĩa- Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ đề nghị, dự thảo luật quy định, trường hợp phát hiện bảo vật quốc gia ở nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm thực hiện việc thu hồi, mua, đưa về nước.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, chiều 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 7.
Về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ (UBTVQH) đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hoá.
Dự thảo Luật cũng quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được, như: bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước...
Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác; ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ.
UBTVQH đề xuất bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương.
Cho phép bảo tàng tư nhân hoạt động có thu phí
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua có tình trạng di vật, bảo vật quốc gia đặc biệt quan trọng nhưng bị thất thoát, mất mát, thậm chí mua bán ra nước ngoài. Đây là vấn đề nhức nhối và thực tiễn đặt ra trong thời gian qua.
Về tình trạng trên, đại biểu Đào Chí Nghĩa- Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ đề nghị, dự thảo luật quy định, trường hợp phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND cấp tỉnh thực hiện việc thu hồi, mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia về nước.
Ngoài ra, hiện nay việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc sở hữu tư nhân vẫn đang gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ soạn thảo nghiên cứu quy định cho phép bảo tàng lưu giữ di sản văn hóa, thuộc sở hữu tư nhân hoạt động dịch vụ có thu phí.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) đề nghị, bỏ quy định về trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch “phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”.
Thay vào đó, nên quy định trong dự án Luật về trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trong thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.