Chính trị

Luật Tư pháp người chưa thành niên - Thành tựu nổi bật trong lĩnh vực cải cách tư pháp

Duy Tuấn- Hữu Tuấn 23/10/2024 16:38

Kết luận nội dung thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) vào sáng 23/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong quá trình thảo luận dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 7 đến nay, nhiều ĐBQH đã nhận định, việc Quốc hội ban hành Luật Tư pháp NCTN không chỉ là thành tựu nổi bật trong lĩnh vực cải cách tư pháp ở Việt Nam, mà còn là dấu ấn xây dựng luật pháp của Quốc hội Khóa XV.

TANDTC cơ bản thống nhất với việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp NCTN. Ngay sau Kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo việc nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật, đã tổ chức một số cuộc Tọa đàm khoa học và nhiều cuộc làm việc với các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan, lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ có kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

qh.jpg
Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp NCTN

UBTVQH đã thảo luận và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 và tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Luật, sau đó hoàn chỉnh dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo luật. Chính phủ cũng đã có văn bản góp ý, cơ bản thống nhất, có góp ý thêm và đã được tiếp thu.

Ngày 24/9/2024, TANDTC có báo cáo gửi UBTVQH cơ bản thống nhất với việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp NCTN, có đề xuất chỉnh lý một số nội dung cụ thể và đã được tiếp thu. Ngày 4/10/2024, UBTVQH đã gửi đến các ĐBQH Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này có 11 Chương và 176 Điều, tăng 3 Điều và chỉnh lý nhiều Điều, khoản cụ thể so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp trước.

lmt.jpg
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí tại phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận sáng 23/10, đã có 28 lượt ý kiến của ĐBQH góp ý kiến vào một số nội dung như: Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN; việc thực hiện công việc phục vụ cộng đồng của NCTN phạm tội; vấn đề tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội; điều kiện áp dụng xử lý chuyển hướng; về giải quyết tranh chấp dân sự trong vụ án...

Hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất

Giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, các ý kiến phát biểu của các ĐBQH rất sâu sắc, đề cập toàn diện, cụ thể đến các điểm, Điều, khoản của dự án Luật. Qua trao đổi và thống nhất với Chánh án TANDTC, Cơ quan chủ trì soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các ĐBQH. Sau Phiên họp này, hai cơ quan sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ ý kiến của từng ĐBQH chỉnh lý dự thảo Luật và tham mưu UBTVQH báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, trình Quốc hội trước khi thông qua tại Kỳ họp này.

nga.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua các ý kiến thảo luận cho thấy, ĐBQH đều đánh giá cao chất lượng hồ sơ chuẩn bị, tài liệu dự án Luật trình QH, cơ bản thống nhất với dự thảo Luật, báo cáo tiếp thu giải trình. Đồng thời, các ĐBQH có phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung để tiếp tục chỉnh lý về từ ngữ, thuật ngữ, điều khoản, nội dung cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp, khoa học, đảm bảo yêu cầu tiến bộ, nhân văn, nhân đạo, thân thiện trong giải quyết các vụ án liên quan NCTN phạm tội, đảm bảo lợi ích tốt nhất đối với NCTN như đã được khẳng định trong các văn bản của Đảng, Hiến pháp 2013 và tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

dinh1.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trong quá trình thảo luận dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 7 đến nay, nhiều ĐBQH đã nhận định, việc Quốc hội ban hành Luật Tư pháp NCTN không chỉ là thành tựu nổi bật trong lĩnh vực cải cách tư pháp ở Việt Nam, mà còn là dấu ấn xây dựng luật pháp của Quốc hội Khóa XV.

UBTVQH sẽ tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận và sẽ chỉ đạo cơ quan liên quan nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng để hoàn thiện Dự thảo Luật, báo cáo UBTVQH xem xét, thảo luận vào thời gian giữa hai đợt họp của Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp.

Duy Tuấn- Hữu Tuấn