Đảm bảo quyền được giáo dục, học hành cho người chưa thành niên
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp), Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 52) phù hợp với thực tiễn nước ta hiện nay, đảm bảo quyền được giáo dục, học hành cho người chưa thành niên.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, sáng 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN).
Áp dụng sớm biện pháp xử lý chuyển hướng để đảm bảo quyền lợi người chưa thành niên
Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, đại biểu Phạm Văn Hoà- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, dự thảo Luật quy định Bộ Công an là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN "là hợp lý".
Đại biểu Hoà cũng đồng tình với dự thảo Luật quy định biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 52), điều này phù hợp với thực tiễn nước ta hiện nay. Theo đại biểu, khi vi phạm, NCTN có thể đã bị áp dụng tạm giam ở cả 03 giai đoạn (điều tra, truy tố, xét xử) và thời gian tạm giam có thể lên tới gần 09 tháng đối với tội nghiêm trọng và gần 12 tháng đối với tội rất nghiêm trọng. Nếu trong phạm vi áp dụng nên được chuyển hướng, thay vì đưa ra xét xử sẽ đảm bảo quyền được giáo dục, học hành cho NCTN.
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (điều 53), theo đại biểu Hoà nhấn mạnh, việc giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp XLCH như dự thảo Luật (cũng là kế thừa quy định của BLHS hiện hành) sẽ bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, giúp NCTN có đủ điều kiện sẽ sớm được áp dụng biện pháp XLCH thay vì quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải lập hồ sơ đề nghị Tòa án áp dụng, vừa kéo dài thời hạn, vừa phát sinh thủ tục tố tụng.
"Cơ quan công an, viện kiểm sát phát hiện các em, các cháu vi phạm mà ngay từ đầu đề xuất xử lý chuyển hướng là phù hợp. Nếu để Toà án xử lý chuyển hướng, trong thời gian này, NCTN bị giam giữ hay tại ngoại cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn. Do vậy, việc giao cơ quan điều tra công an, viện kiểm sát là phù hợp với quy trình, thủ tục rất tốt.
Về tách vụ án hình sự, theo đại biểu, đây là vấn đề rất lớn, đại biểu tán thành với quy định của dự thảo luật, tách riêng vụ án có NCTN phạm tội để giải quyết. Quy định nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ, hiệu quả các chính sách nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo Luật.
"Tôi thấy quy định như vậy phù hợp. TANDTC đề nghị không quy định cụ thể thời điểm tách vụ án trong Luật và giao cho liên ngành tư pháp trung ương quy định chi tiết để bao quát các trường hợp trong thực tiễn giải quyết án. Tôi ủng hộ việc phải tách ra", đại biểu Hoà nêu quan điểm.
Phải bảo đảm an toàn và tránh bị kỳ thị cho NCTN
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Thu Hằng- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đồng tình với quy định tại Điều 51, trong đó, đưa ra một số công việc phục vụ cộng đồng nơi NCTN phạm tội cư trú, bao gồm: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; tham gia hỗ trợ giúp đỡ người cao tuổi, người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt.
Luật cũng quy định việc tổ chức thực hiện biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng phải bảo đảm an toàn và tránh bị kỳ thị cho NCTN.
Tuy nhiên, đại biểu Hằng cho rằng, "việc NCTN tham gia lao động công cộng nơi cư trú thì không thể tránh việc bị kỳ thị. Còn việc hỗ trợ người cao tuổi cần những kỹ năng riêng và có những hiểu biết nhất định tâm lý về người già, do đó cần căn nhắc quy định này".