Ngập tràn rác trên các kênh, sông quận ở 7, TP.HCM
Những con sông, vốn là mạch sống của đô thị suốt bao đời qua, giờ đây đang "rên xiết" dưới sự ô nhiễm nặng nề. Mỗi ngày, hàng tấn rác thải đều đặn đổ về các con sông ở quận 7, biến chúng thành những bãi rác khổng lồ ngay giữa lòng thành phố.
Dòng rác thải chảy giữa lòng đô thị
Dạo quanh một vòng các kênh rạch trên địa bàn quận 7, chúng tôi không khỏi giật mình trước cảnh tượng rác thải trôi nổi khắp nơi. Theo nhiều người dân phản ánh, tình trạng ô nhiễm trên các dòng sông ở quận 7, TP.HCM hiện nay đang là một vấn đề đáng báo động khi rác trôi nổi dày đặc trên các dòng sông.
Dẫu mùa nước lên hay nước ròng, cảnh tượng những tấm bạt, túi nilon, chai nhựa, thùng nhựa, đệm cũ… bủa vây mặt sông dần trở nên quen thuộc với những người dân nơi đây. Từ dòng Kênh Tẻ bên đường Trần Xuân Soạn, đến các con rạch Cả Cấm, Rạch Đĩa, Rạch Bàng, Thầy Tiêu… bao quanh khu đô thị Phú Mỹ Hưng tại trung tâm quận 7 - một trong những khu đô thị hiện đại bậc nhất Việt Nam - cũng không tránh khỏi cảnh ngập trong rác.
Mùa mưa đến, cũng là lúc tình trạng ô nhiễm rác thải trên các con sông ở quận 7 càng trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Rác thải trên sông không chỉ đa dạng về chủng loại, mà còn vô cùng phong phú về kích thước. Từ những mẩu xốp, bọc nilon nhỏ vụn cho đến những chiếc lốp xe, cánh cửa cũ kỹ… đều chung sống hòa hợp trong một môi trường ô nhiễm.
Khi nước lớn, rác thải tràn lan, trôi nổi lềnh bềnh khắp mặt sông, tạo thành một lớp phủ dày đặc, nổi váng, che lấp đi màu xanh của nước. Khi nước ròng, thực trạng ô nhiễm càng được phơi bày một cách đáng báo động hơn khi những bãi rác ngầm lộ ra, phơi bày một lượng lớn rác thải đủ loại. Phần lớn lượng rác kẹt lại hai bên bờ, phần còn lại chìm xuống đáy sông hoặc tiếp tục bập bềnh trôi nổi. Chứng kiến cảnh tượng ấy, chúng tôi không chỉ đau xót bởi sự ô nhiễm, mà còn bàng hoàng nhận ra: Cả một dòng rác thải khổng lồ, đang đều đặn hàng ngày chảy giữa lòng đô hiện đại.
Dọc theo Kênh Tẻ (đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM) kéo dài khoảng 500m đến hầm cầu Tân Thuận 2, là một xóm với hàng chục chiếc ghe, thuyền tụ họp. Khu vực này đã tồn tại hàng chục năm nay, còn được biết đến với cái tên “chợ nổi Tân Thuận”. Phần lớn người dân ở đây đến từ miền Tây, tìm đường lên Sài Gòn và chọn Kênh Tẻ làm bến đậu mưu sinh.
Trước đây, khi giao thông đường bộ chưa phát triển, nơi đây là một trung tâm giao thương sầm uất với cảnh “trên bến dưới thuyền”. Hiện tại, chỉ còn một số ít người bám trụ trên dòng kênh Tẻ, sống trong điều kiện khó khăn giữa lòng Sài Gòn phồn thịnh. Nhiều hộ dân đã gắn bó với chiếc ghe ven bờ sông nước gần cả đời người, mỗi ngày kiếm vài chục ngàn đồng mưu sinh từ việc bán trái cây, nước uống ven đường Trần Xuân Soạn.
Nhưng khi đến hỏi thăm những người dân sống trên bè ven sông bờ Kênh Tẻ, chúng tôi lại nhận thấy một sự mâu thuẫn lạ kỳ. Dẫu cảnh tượng rác thải trôi nổi dưới sông khiến nhiều người dân khu vực xung quanh cảm thấy lo lắng, nhưng hầu hết những người hàng ngày sinh sống, mưu sinh trên dòng nước ngập ngụa rác ấy đều lảng tránh và từ chối đề cập đến vấn đề này. Chị Thanh, một người sống dưới bè đã hơn chục năm, vừa nhìn chúng tôi với ánh mắt đề phòng, vừa khẽ lắc đầu trả lời cho qua: “Ừ, thì năm nào mùa này cũng có rác mà”...
Chúng tôi nhận thấy sự ngần ngại này không phải là hiếm khi hầu hết người dân trên bè đều né tránh đề cập về vấn đề này. Bên sạp nhỏ bán trái cây ven lề đường, một người phụ nữ trung niên từ chối trả lời phóng viên rồi cười buồn chia sẻ: “Tôi không muốn bị liên lụy. Người ta cứ đổ lỗi cho chúng tôi là nguyên nhân gây ra ô nhiễm. Chúng tôi chỉ có chiếc bè với mé sông này làm nơi nương tựa, mưu sinh suốt mấy chục năm qua. Nếu ai cũng đổ lỗi cho chúng tôi thì chúng tôi biết sống sao? Biết đi đâu bây giờ?”.
Rõ ràng, nhiều người dân sống trên bè cảm thấy áp lực khi nghĩ rằng, họ có thể bị đổ lỗi cho tình trạng con sông bị ô nhiễm rác thải. Họ lo sợ rằng, nếu bị quy trách nhiệm, họ có thể mất đi nơi nương tựa duy nhất của mình. Đối với nhiều hộ gia đình nơi đây, chiếc bè nổi trôi bên bờ sông đầy rác thải vừa là mái nhà, vừa là chốn mưu sinh duy nhất.
Thực trạng từ nhiều góc nhìn
Dù nhiều người từ chối đề cập, một số ít cũng đã bày tỏ lo lắng về tình trạng ô nhiễm. Bà Nguyễn Thị Liên (60 tuổi) - một người sống trên bè ven Kênh Tẻ mấy chục năm qua - hạ giọng chia sẻ: “Chúng tôi thấy rác nổi rất nhiều, nhưng không biết làm sao. Ai cũng có nỗi khổ riêng, mà chẳng ai muốn nói ra”.
Người dân sống ven sông nhận thức được tình trạng ô nhiễm, nhưng phần vì lo lắng, e ngại, phần vì cảm thấy bất lực. Bà Liên cho biết, hầu hết người dân sống trên bè đều mang rác thải lên bờ để đội thu gom rác chở đến bãi tập kết. Rác thải phần lớn đến từ các hoạt động khác trong khu vực, như các chợ đầu mối hay nhà hàng, quán ăn ven sông...
Lượng rác cũng xuất phát từ việc người dân xả thải không đúng cách khi nhiều người đã bỏ rác ven bờ sông, khi trời mưa hay khi con nước hàng ngày lên xuống, lượng rác này cũng theo dòng nước cuốn vào lòng sông. “Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhặt những vật dụng còn dùng được dưới sông lên xài. Như bóng đèn này cũng là tôi vớt dưới sông lên cách đây mấy năm đó, vẫn dùng tốt đến nay. Lần đó gần cả ngàn cái bóng đèn không biết từ đâu trôi dạt về” – bà Liên vừa chỉ tay về bóng đèn trước bè vui vẻ nói.
Theo ông Phạm Văn Lai (77 tuổi) – cư ngụ ở đường Trần Xuân Soạn đối diện kênh Tẻ - một trong những nguyên nhân khiến lượng lớn rác tụ về khúc sông này là do vị trí địa lý đặc biệt của dòng sông. Kênh Tẻ nối từ sông Sài Gòn, lại giao với ngã tư kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ và kênh Đôi. Lưu lượng nước từ dòng sông lớn đổ vào, lại thêm dòng nước từ 3 kênh chảy qua, vô tình khiến nơi đây trở thành “điểm tập kết” của rác thải từ nhiều nơi đổ về. “Vì địa hình như thế, nên hầu như mỗi năm vào mùa mưa là lượng rác dưới sông rất nhiều”.
Ông Lai nhìn ra bờ sông, lắc đầu ngao ngán: “Tôi sống ở đây mấy chục năm, chứng kiến cảnh con kênh này dần dần bị rác thải “bức tử”. Trước đây, hàng năm đều có đội dọn rác trên sông, nhưng mấy năm nay không thấy nữa. Rác không được dọn cứ thế nằm lại, tích tụ ngày càng nhiều. Mỗi khi có mưa lớn, rác từ các khu vực xung quanh đổ về đây nhiều lắm”.
Những cơn mưa lớn gần đây đã biến nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố nói chung và quận 7 nói riêng ngập trong biển nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là rác thải đang "bức tử" những con kênh, dòng sông, "bóp nghẹt" khả năng thoát nước và góp phần làm tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng hơn. Tình trạng rác thải tràn lan trên sông ở quận 7 đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội và cần sớm được giải quyết, xử lý kịp thời.
Một số hình ảnh khác về rác thải trên các kênh, sông quận 7: