Ấn Độ âm thầm hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân thứ 4
Ấn Độ vừa tiến hành hạ thủy tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư do nước này tự sản xuất.
Tàu ngầm mới có tên mã là S-4* và có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường năng lực hạt nhân quốc gia.
Trước đó, Ấn Độ đã hạ thủy tàu SSBN đầu tiên vào năm 2009 và đưa vào biên chế năm 2016. Gần đây nhất, Hải quân Ấn Độ đã biên chế tàu SSBN thứ hai, INS Arighaat, vào ngày 29/8/2024. Tàu SSBN thứ ba, INS Aridaman, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2025.
Khi tàu INS Aridaman chính thức hoạt động, Ấn Độ sẽ hoàn thiện năng lực tấn công hạt nhân lần hai, giúp củng cố sức mạnh răn đe hạt nhân của nước này.
INS Aridaman, được mệnh danh là "Kẻ hủy diệt kẻ thù" sẽ được trang bị tên lửa phóng từ tàu ngầm K-4 với tầm bắn lên tới 3.500 km, cho phép nước này tăng cường khả năng tấn công trong trường hợp xung đột.
Tuy nhiên, các tàu ngầm INS Arihant và INS Aridaman hiện chỉ trang bị tên lửa K-15 có tầm bắn 750 km, hạn chế khả năng tấn công của chúng, đặc biệt là khi nhắm vào các mục tiêu xa hơn.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân đầu tiên được Ấn Độ thuê- INS Chakra, được chỉ định là S1, các tàu ngầm tiếp theo: INS Arihant là S2, INS Arighaat là S3 và INS Aridhaman là S4.
Tàu ngầm mới hạ thủy được chỉ định là S4*, tên chính thức vẫn chưa được công bố. Các lớp SSBN trong tương lai của Ấn Độ dự kiến sẽ có lượng giãn nước là 6.000 tấn, gấp đôi lớp Arihant và sẽ mang theo tên lửa hạt nhân có tầm bắn vượt quá 5.000 km trở lên, theo Hindustan Times đưa tin .
Ngày 16/10, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, ông Rajnath Singh, đã chính thức cho hạ thủy tàu SSBN S-4* tại một sự kiện kín. Chính phủ không công bố rộng rãi sự kiện này mà chỉ thông báo về việc ông Singh khánh thành Trạm Hải quân Tần số cực thấp tại khu vực rừng Damagundam, Telangana.
Trong kịch bản xung đột hạt nhân, SSBN là yếu tố then chốt đảm bảo khả năng tấn công lần hai của Ấn Độ. Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng sống sót cao hơn trong trường hợp xung đột.
Đại dương sâu thẳm là nơi bảo vệ tốt nhất cho các tàu SSBN, giúp chúng có thể ẩn nấp và duy trì khả năng trả đũa ngay cả sau khi đối phương đã tấn công trước.
Việc hạ thủy S-4* sẽ gia tăng đáng kể năng lực răn đe hạt nhân của Ấn Độ. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa có đủ số lượng tàu ngầm để duy trì sự hiện diện liên tục trên biển. Cần ít nhất 3-4 SSBN để đảm bảo luôn có một tàu ngầm tuần tra trong khi các tàu khác được bảo dưỡng hoặc thay phiên. Nếu chỉ có một tàu, như INS Arihant, việc thường xuyên ra vào cảng khiến khả năng răn đe giảm sút.
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ hạt nhân của nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước có bờ biển dài như Ấn Độ.
SSBN có thể lặn sâu dưới lòng đại dương trong suốt cuộc xung đột, đảm bảo khả năng sống sót để trả đũa. Hải quân Hoàng gia Anh, một trong những quốc gia tiên phong về năng lực SSBN, đã duy trì khả năng răn đe hạt nhân trên biển suốt 53 năm liên tục.
Tại khu vực Nam Á, Trung Quốc là quốc gia duy nhất sở hữu SSBN và thường triển khai chúng để tuần tra chống cướp biển ngoài khơi châu Phi. Tuy nhiên, khả năng chiến đấu chống tàu ngầm của Trung Quốc vẫn còn hạn chế.
Trong khi đó, Pakistan cũng đang theo đuổi chiến lược hạt nhân trên biển, với dự án trang bị tên lửa hạt nhân cho tàu ngầm lớp Hangor do Trung Quốc chế tạo. Hải quân Pakistan hy vọng có thể xây dựng khả năng tấn công hạt nhân lần hai bằng cách trang bị các đầu đạn hạt nhân chiến thuật (TNW) trên tàu ngầm của mình.
Lớp tàu SSBN mới S4* mà Ấn Độ đang triển khai là thành quả của quá trình tích lũy kinh nghiệm từ việc chế tạo INS Arihant và INS Aridaman.
Hình ảnh vệ tinh năm 2021 cho thấy tàu S-4 có trọng tải 7.000 tấn, dài 125,4m, lớn hơn so với INS Arihant 6.000 tấn với chiều dài 111,6m. Tàu S-4 được xếp vào loại "Arihant-stretch," tức là phiên bản kéo dài của tàu INS Arihant.
INS Arihant, tàu ngầm nội địa đầu tiên của Ấn Độ, có trọng tải 6.000 tấn và được cung cấp năng lượng bởi lò phản ứng nước nhẹ áp suất 83 MW, sử dụng nhiên liệu Uranium làm giàu. Tàu có chiều dài 110 mét, tốc độ tối đa lên đến 24 hải lý dưới nước.