Nghiệp vụ

TANDTC tổ chức Hội nghị tập huấn Công ước New York năm 1958

Đức Trí - Phan Trà 22/10/2024 - 12:43

Trong 2 ngày 21, 22/10/2024, tại Trung tâm Hội nghị Khách sạn P&T, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TANDTC phối hợp với Văn phòng đại diện Tòa trọng tài thường trực tại Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn Công ước New York năm 1958 của Liên hợp quốc về công nhận cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Tham dự, chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Văn Dũng, Thẩm phán TANDTC; ông Ngô Tiến Hùng, Thẩm phán TANDTC; bà Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán TANDTC; ông Neil Nucup, Cố vấn Pháp lý, Đại diện Tòa trọng tài thường trực tại Việt Nam; ông Nicholas Lingard, Luật sư chuyên gia quốc tế và hơn 100 đại biểu đại diện cho TAND các tỉnh, khu vực phía Nam tham dự.

1.jpeg
Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dũng, Thẩm phán TANDTC cho biết: Hoạt động của trọng tài thương mại là một chính sách lớn, quan trọng được Việt Nam triển khai và thực hiện từ nhiều năm qua nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại.

2.jpeg
Ông Nguyễn Văn Dũng, Thẩm phán TANDTC phát biểu tại hội nghị.

Theo đó, pháp luật Việt Nam đã xác lập một khung pháp lý thống nhất cho việc thành lập, hoạt động của tổ chức trọng tài thương mại nhằm đề cao vai trò hỗ trợ, giám sát của Tòa án đối với hoạt động trọng tài thương mại, đối với hoạt động của trọng tài nước ngoài.

Từ tháng 12 năm 1995, Việt Nam đã gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài theo Công ước New York năm 1958.

Công ước này được xây dựng, thông qua với mục đích thúc đẩy việc công nhận, hỗ trợ trọng tài thương mại có yếu tố nước ngoài phát triển với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án; tạo cơ sở pháp lý quốc tế để phán quyết trọng tài do Hội đồng trọng tài có thẩm quyền tuyên hợp pháp, hợp lệ tại một quốc gia thành viên. Công ước sẽ được công nhận và cho thi hành tại quốc gia thành viên khác của Công ước, trừ một số ngoại lệ nhất định.

4.jpeg
Ông Nicholas Lingard – Luật sư thành viên của Hãng luật Freshfields Bruckhaus Deringger chia sẻ tại hội nghị.

Tại hội nghị, ông Nicholas Lingard – Luật sư thành viên của Hãng luật Freshfields Bruckhaus Deringger, Trưởng bộ phận trọng tài Quốc tế tại Châu Á đã chia sẻ về các nội dung quan trọng được quy định tại Công ước New York năm 1958 của Liên hợp quốc về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, đồng thời đưa ra các đề tài và nội dung thường gặp tại Việt Nam để các đại biểu cùng tham luận.

Để triển khai thực hiện Công ước, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, cụ thể là Bộ luật tố tụng dân sự đã dành Phần thứ VII của Bộ luật này để quy định về việc Tòa án thực hiện quyền hỗ trợ, giám sát thông qua việc giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài.

3(1).jpeg
Ông Neil Nucup - Cố vấn Pháp lý và Đại diện của PCA tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Trong đó, Bộ luật này khẳng định phán quyết của trọng tài nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật như quyết định của Tòa án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Đây là sự cam kết ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với hoạt động trọng tài thương mại của nước ngoài.

Với cam kết này phán quyết trọng tài thương mại nước ngoài – một kết quả giải quyết tranh chấp của tổ chức tư, phi nhà nước – được xem xét, bảo vệ và thực thi bằng quyền lực nhà nước thông qua hoạt động của Tòa án Việt Nam khi quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết đó theo thủ tục thi hành án dân sự.

Thực tiễn Tòa án giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài trong nhiều năm vừa qua cho thấy đây là một loại việc đặc thù, khác biệt so với các loại vụ việc thông thường khác mà Tòa án giải quyết. Do đó, việc Tòa án Việt Nam giải quyết yêu cầu công nhận, cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự là một trong những giải pháp thiết thực để môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam ngày càng lành mạnh, ổn định và vững chắc hơn.

5.jpeg
Các đại biểu nêu ý kiến đóng góp tại hội nghị.
6.jpeg
Các đại biểu nêu ý kiến đóng góp tại hội nghị.
10.jpeg
Các đại biểu nêu ý kiến đóng góp tại hội nghị.

Hội nghị lần này, các Thẩm phán, cán bộ Tòa án, được nghe chuyên gia quốc tế trình bày về cách hiểu cũng như cách thức áp dụng các điều khoản cụ thể của Công ước tại tòa án nước ngoài. Đồng thời, đưa ra những ý kiến đóng góp cũng như nêu lên các câu hỏi thường gặp trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ việc để tham khảo, nâng cao kiến thức về Công ước New York năm 1958.

Trên cơ sở đó, các đại biểu có cơ hội trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm với chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước về những nội dung liên quan; qua đó, góp phần thống nhất nhận thức về việc áp dụng quy định của Công ước đã được nội luật hóa trong giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài khi phát sinh trên thực tế.

13.jpeg
Ông Nicholas Lingard, luật sư chuyên gia quốc tế tặng cho cuốn sổ tay hướng dẫn của ICCA cho các đại biểu.

Kết thúc hội nghị, thay mặt Lãnh đạo TANDTC, ông Nguyễn Văn Dũng đã gửi lời cảm ơn đến Tòa Trọng tài thường trực thông qua Văn phòng đại diện tại Hà Nội đã quan tâm, phối hợp, hỗ trợ tích cực cho TANDTC tổ chức hội nghị tập huấn này. Đồng thời, cảm ơn ông Nicholas Lingard, luật sư chuyên gia quốc tế đã hết sức ủng hộ, giành thời gian quý báu để cung cấp kiến thức, kinh nghiệm, tặng cho cuốn sổ tay hướng dẫn của ICCA về diễn giải công ước New York năm 1958 cho các Thẩm phán, cán bộ của Tòa án Việt Nam.

Đức Trí - Phan Trà