Vấn đề quan tâm

Báo động tình trạng học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi

Trang Nhi 22/10/2024 - 09:21

Ra khỏi cổng trường, các học sinh điều khiển xe máy thường không đội mũ bảo hiểm, tụ tập, lạng lách trên đường, tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây TNGT.

Thực trạng đáng quan ngại

Sau giờ tan học tại các trường THPT và THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội, vào khoảng 17h, cảnh tượng các học sinh đổ ra đường với đủ loại phương tiện như xe máy, xe điện không còn xa lạ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm luật giao thông của các em đang ngày càng phổ biến, gây lo lắng cho cả phụ huynh và người dân.

hoc-sinh-di-xe-may.jpg
Học sinh lái xe máy trên 50 cm³ khi chưa đủ tuổi, không đội nón bảo hiểm, kẹp 3 tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Đối với học sinh THPT, nhiều em bất chấp quy định về độ tuổi và sử dụng xe máy có dung tích trên 50cc. Theo quy định, học sinh dưới 18 tuổi không được điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh lớn hơn 50cc, nhưng thực tế trên các tuyến đường quanh trường học, không khó để bắt gặp các em điều khiển những loại xe máy như Honda Wave Alpha 100, Dream, hay các dòng xe tay ga như Vision và SH Mode. Nhiều trường hợp còn phóng nhanh, vượt ẩu và đùa giỡn khi điều khiển xe trên đường, gây nguy cơ cao xảy ra tai nạn.

Không chỉ học sinh THPT, cả học sinh THCS cũng vi phạm luật giao thông, đặc biệt là việc sử dụng xe máy điện mà không đội mũ bảo hiểm. Cảnh học sinh không đội mũ bảo hiểm đi xe máy điện xuất hiện phổ biến trên nhiều tuyến phố, dù đây là quy định bắt buộc. Tình trạng này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tạo ra nhiều rủi ro cho các em khi tham gia giao thông.

Việc học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy; điều khiển xe có dung tích xi lanh trên 50 phân khối đến trường đã và đang gây nhiều lo ngại cho xã hội. Dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng thực tế cho thấy số trường hợp vi phạm vẫn còn khá cao.

Nguyên nhân của vấn đề này là do khoảng cách từ nhà một số học sinh đến trường khá xa, trong khi các phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của các em. Xe máy giúp các em chủ động hơn về thời gian. Khi tự đi xe máy, các em cũng không bị phụ huynh hoặc người lớn giám sát quá chặt chẽ...

Ngoài ra, có lẽ ở độ tuổi mới lớn, các em muốn khẳng định mình, thể hiện sự trưởng thành và tự lập. Tự đi xe máy có thể là hình ảnh thể hiện sự tự do, các em cảm thấy mình "lớn" hơn, "ngầu" hơn.

Việc học sinh điều khiển xe máy trên 50 phân khối tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Các em thường thiếu kinh nghiệm chạy xe, dễ mất tập trung và vi phạm luật lệ giao thông, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan học sinh đi xe máy đã xảy ra, gây thương tích nặng nề, thậm chí tử vong. Khi xảy ra tai nạn hoặc vi phạm giao thông, không chỉ bản thân học sinh mà cả nhà trường và gia đình cũng bị ảnh hưởng.

giao-thong-1.jpg
Lực lượng CSGT xử phạt học sinh đi xe không đúng quy định

Cần phối hợp để xử lý

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho lứa tuổi học sinh và chỉ đạo của Bộ Công an, từ 1/10 đến hết 31/10/2024, lực lượng CSGT toàn quốc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm đối với học sinh THCS và THPT; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện. Đồng thời, xử lý chủ phương tiện và phụ huynh chở học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt.

Điển hình, một số đơn vị thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM đã phối hợp với Công an địa phương vào nhiều trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên để kiểm tra bãi xe. Hành động bất ngờ của lực lượng CSGT nhận được sự đồng tình của người dân trong bối cảnh nhiều tai nạn đáng tiếc liên quan đến học sinh đi xe máy.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cũng cho rằng, công tác tuyên truyền phải đa dạng và ứng dụng mạng xã hội để học sinh dễ tiếp cận, đồng thời gia đình cần nghiêm túc chấp hành pháp luật, không giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện. Yếu tố gia đình là yếu tố quan trọng nhất, giữ vai trò quyết định trong việc quản lý và giáo dục con em mình.

Phụ huynh cần làm gương cho con bằng việc chấp hành tốt luật lệ giao thông; không mua xe máy trên 50 phân khối cho trẻ dưới 16 tuổi.

Vận động, khuyến khích học sinh đến trường bằng xe đạp hoặc các phương tiện giao thông công cộng. Có như vậy, mới đảm bảo an toàn cho học sinh và góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay.

Có thể nói, để giảm thiểu tình trạng vi phạm giao thông của học sinh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các lực lượng chức năng. Chỉ khi tất cả cùng hành động, ý thức chấp hành luật giao thông mới được nâng cao. Điều này sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho các em và xây dựng một môi trường giao thông an toàn hơn trong cộng đồng.

Trang Nhi