Hồ sơ vụ án

Nhận hối lộ, đăng kiểm viên dùng nhiều thủ thuật để loại bỏ lỗi cho phương tiện

Mạnh Hùng 21/10/2024 - 20:32

VKSND TP. Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 7 bị can gồm 2 Giám đốc, 2 Phó Giám đốc và 3 đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm 29-11D về tội “Nhận hối lộ”.

toi-nhan-hoi-lo-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-large.jpg
Hình minh họa

Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: Bùi Minh Kiên (SN 1981, nguyên Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-11D), Đỗ Công Thành (SN 1995, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-11D từ tháng 6/2023), Trần Khánh Dương (SN 1985, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-11D), Nguyễn Sỹ Tuất (SN 1982, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-11D) và 3 đăng kiểm viên gồm: Đỗ Công Thành (SN 1995), Nguyễn Nga Việt (SN 1985), Lê Xuân Luân (SN 1988).

Theo cáo trạng, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-11D (có địa chỉ tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thuộc Công ty CP cơ khí ô tô Xuân Mai. Tháng 3/2017, Trung tâm này được Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Khoảng tháng 1/2017, Bùi Minh Kiên, Trần Khánh Dương và Phạm Văn Bính (phụ trách dây chuyền) đã bàn bạc, thống nhất tìm cách tăng thêm thu nhập.

Theo đó, trong quá trình đăng kiểm xe cơ giới, nếu phát hiện có các lỗi về phanh, khí thải, đèn tín hiệu, cơi nới thành, thùng…, các đăng kiểm viên sẽ gợi ý để chủ phương tiện chi tiền. Nhận tiền được chủ phương tiện để tại các khu vực như cốp tỳ tay, ghế phụ hoặc cốp bên ghế phụ…, các đăng kiểm viên sẽ bỏ qua các lỗi và làm thủ tục cấp đăng kiểm cho phương tiện. Nếu không thấy tiền tại các khu vực trên, đăng kiểm viên sẽ nhắc nhở, gợi ý, yêu cầu chủ phương tiện mang xe đi sửa chữa. Khi "được nhắc”, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện đến kiểm định ngầm hiểu là phải đưa tiền liền để tiền vào xe. Khi thấy tiền để trên xe, đăng kiểm viên sẽ lấy tiền và bỏ qua các lỗi vi phạm, cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm cho phương tiện.

Cụ thể, đối với lỗi về khí thải, theo quy trình kiểm định, đăng kiểm viên phải cho đầu thiết bị đo, cắm hết vào ống xả của phương tiện nhằm đảm bảo đầu đo hút được nhiều khí thải, kết quả mới chính xác nhất. Tuy nhiên, để bỏ qua lỗi này, đăng kiểm viên phụ trách công đoạn này chỉ đưa đầu thiết bị đo, cắm ở mức rất nông vào ống xả.

Với lỗi liên quan đến thử lực phanh, theo quy trình, khi phương tiện đã ở trên bệ thử phanh, đăng kiểm viên chỉ đạp phanh một lần. Tuy nhiên, để bỏ qua lỗi này, đăng kiểm viên sẽ tiến hành đạp rà phanh hoặc đạp phanh nhiều lần để đo độ lệch của lực phanh dưới 25% (trên 25% là không đạt). Về các lỗi đèn, xi nhan, kích thước thành, thùng xe, các lỗi này được đăng kiểm viên thực hiện kiểm tra thủ công bằng thước, mắt thường, nên được bỏ qua.

Để được bỏ qua các lỗi về phanh, khí thải, đèn tín hiệu…, chủ xe phải chi số tiền từ 100.000 – 300.000 đồng cho đăng kiểm viên. Với xe tải, xe bán tải cơi nới thành thùng… mức chi là 500.000 đồng/xe.

Cơ quan chức năng xác định từ tháng 1/2027 đến tháng 10/2022, các chủ phương tiện đã đưa tiền cho các đăng kiểm viên tại Trung tâm Đăng kiểm 29-11D để được bỏ qua lỗi vi phạm. Sau khi nhận tiền, kết thúc ngày làm việc, các đăng kiểm viên sẽ chuyển toàn bộ số tiền thu được cho Phạm Văn Bính quản lý. Kiên, Dương và Bính thống nhất 2 lần/tháng sẽ chia đều số tiền thu được cho 7 người.

Quá trình điều tra, các bị can đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Về số tiền hưởng lợi, Bùi Minh Kiên khai được chia khoảng 200 triệu đồng, Trần Khánh Dương được 300 triệu đồng, Phạm Văn Bính 200 triệu đồng…

Tổng số tiền các bị can nhận của chủ phương tiện để bỏ qua lỗi khi đăng kiểm là gần 1,3 tỷ đồng.

Mạnh Hùng