Tin địa phương

Bạc Liêu: Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên khu vực biên giới biển

Trần An -T.Tú 21/10/2024 - 17:41

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng trên khu vực biên giới biển của tỉnh Bạc Liêu vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng tỉnh tăng cường đấu tranh với tội phạm và nhất là tội phạm mua bán người.

Trước đây phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người trên khu vực biên giới biển của tỉnh chủ yếu được thực hiện dưới dạng hình thức như: lợi dụng môi giới hôn nhân, môi giới lao động để cấu kết hình thành đường dây mua bán người, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự địa bàn hoặc các đối tượng lợi dụng triệt để các trang mạng xã hội, tạo tài khoản facebook, zalo…

Nhắn tin dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác để lừa gạt, dụ dỗ, tuyển mộ sau đó tổ chức đưa dẫn, vận chuyển, chuyển giao bán sang Campuchia nhằm cưỡng bức lao động mà BĐBP tỉnh đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án liên quan đến tội phạm mua bán người.

Tuy nhiên, thời gian gần đây trên khu vực biên giới biển của tỉnh, các đối tượng lợi dụng tình trạng thiếu lao động trên biển, nhất là ngư phủ có kinh nghiệm đi biển nên đã xuất hiện hoạt động mua bán núp bóng dịch vụ môi giới lao động biển (“cò” ngư phủ) diễn biến phức tạp, làm mất an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển của tỉnh.

z5952825752214_993c36a6217d222eb5395da8ce9b24d5.jpg
Đối tượng H.T.N.T bị khởi tố bị can ngày 08/10/2024 về tội mua bán người dưới 16 tuổi

Với mong muốn có việc làm, được cho tạm ứng tiền trước, nhiều lao động từ các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh... đã bị các đối tượng lừa gạt với thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao”, thông qua mạng xã hội Facebook đăng tin giới thiệu việc làm để lừa gạt, dụ dỗ, tập kết, vận chuyển, chuyển giao cho các chủ tàu nhằm mục đích cưỡng bức lao động.

Nhiều người không quen với điều kiện thời tiết và chưa từng đi biển nên trong quá trình làm việc đã bị các đối tượng đe dọa, đánh đập buộc làm việc không có tiền công ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe. Nhiều nạn nhân bị lừa gạt đã làm đơn gửi đến BĐBP để tố giác hành vi của các đối tượng.

Thượng tá Lê Viết Quỳnh, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP)/BĐBP tỉnh, cho biết: "Đầu tháng 8/2024, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp nhận nguồn tin về tội phạm từ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bến Tre chuyển đến với nội dung: tố giác tội phạm của một số nạn nhân đã bị đối tượng lừa gạt, tuyển mộ, chuyển giao và chiếm đoạt tiền để làm việc trên các tàu đánh cá đang hoạt động trên vùng biển tỉnh Bạc Liêu, có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến tội phạm mua bán người.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP)/BĐBP tỉnh tiếp nhận nguồn tin về tội phạm; đồng thời phối hợp hợp chặt chẽ với BĐBP tỉnh Bến Tre tổ chức kiểm tra, xác minh làm rõ.

Quá trình kiểm tra, xác minh được triển khai nhanh chóng, phân công giao nhiệm vụ cho lực lượng điều tra đồng loạt tiến hành làm việc với người bị hại, chủ tàu, các “cò ngư phủ” và đối tượng nghi vấn chủ mưu, cầm đầu đường dây mua bán người... kết quả thu thập tài liệu, chứng cứ, xác định có căn cứ dấu hiệu tội phạm “mua bán người".

z5952825754981_1e80ebd62ff8a2b6fb007d9baf44a851.jpg
Nạn nhân P.N.T trình báo tố giác tội phạm với BĐBP

Ngày 29/9/2024, Chỉ Huy trưởng BĐBP tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “mua bán người” nhằm mục đích cưỡng bức lao động xảy ra tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, được quy định tại Khoản 3, Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Sau một thời gian tiến hành điều tra, xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh, nên Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh để tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Qua vụ việc này, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo người dân hãy cảnh giác với thủ đoạn hoạt động giới thiệu việc làm hình thức “cò ngư phủ” với phương thức thủ đoạn tinh vi, manh động trên không gian mạng và trực tiếp tuyển mộ, dùng vũ lực, đe dọa để bán cho các tàu cá hoạt động trên biển nhằm mục đích cưỡng bức lao động, thu lợi bất chính.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý lao động, giới thiệu việc làm; quản lý khai thác tàu cá; tập huấn kỹ năng, đảm bảo nguồn nhân lực lao động trên tàu cá, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển của địa phương.

BĐBP tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp tổ chức tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân trên địa bàn; đồng thời kêu gọi người dân hãy nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia tố giác tội phạm, cùng với BĐBP và các cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tội phạm mua bán người; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển của tỉnh.

Trần An -T.Tú