Luật Điện lực: Làm rõ các lĩnh vực Nhà nước độc quyền đầu tư
Thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị rà soát, làm rõ quy định về các lĩnh vực Nhà nước độc quyền đầu tư theo hướng chỉ quy định những nội dung thực sự cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng...
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, chiều 21/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng
Trình bày tờ trình dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự án luật bổ sung quy định mới về chính sách phát triển điện lực để đề cập tới điện hạt nhân.
Theo đó, Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện loại này, "do đây là dự án quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia".
Việc đầu tư, xây dựng, vận hành và chấm dứt hoạt động, cũng như đảm bảo an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định liên quan.
Dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng. Tùy thuộc tình hình kinh tế, xã hội từng thời kỳ, Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù để triển khai đầu tư, xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Nhà nước độc quyền về đầu tư nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các dự án nguồn, lưới điện khẩn cấp hoặc dự án cấp điện áp 220 kV trở lên; vận hành lưới truyền tải (trừ dự án tư nhân đầu tư) và điều độ hệ thống điện.
Về quy hoạch, nguồn điện này đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, để đảm bảo mục tiêu an ninh cung cấp điện.
Chỉnh lý quy định về "cơ chế đặc thù"
Thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, cho rằng phát triển điện hạt nhân là vấn đề mới, đề nghị Bộ Công Thương báo cáo cấp có thẩm quyền về mức độ quy định phát triển điện hạt nhân tại dự án luật.
Đáng chú ý, theo cơ quan thẩm tra, về quy định: "Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù để đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân" là "không phù hợp về thẩm quyền" theo Luật Tổ chức Chính phủ, Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp, theo báo cáo thẩm tra.
Ngoài ra, cần rà soát, làm rõ quy định về các lĩnh vực Nhà nước độc quyền đầu tư. Theo hướng chỉ quy định những nội dung thực sự cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng, tạo cơ chế thu hút, huy động các nhà đầu tư, cũng như tăng tính khả thi, quản lý Nhà nước hiệu quả hơn.