Sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam
Tại buổi tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas, tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn kiến nghị EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Ngày 21/10, trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có buổi tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas.
Mở đầu buổi tiếp, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn gửi lời cảm ơn chân thành sự hỗ trợ kịp thời của EU, đã quyên góp 800.000 euro, góp phần hữu ích trong việc khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi ở các tỉnh phía Bắc thời gian qua.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Quan hệ Việt Nam - EU đang phát triển năng động và đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ. Việt Nam luôn coi EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có khuôn khổ hợp tác đầy đủ với EU. EU là một trong những đối tác thương mại, đầu tư và ODA quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), sau 4 năm thực thi, đã tạo động lực mới cho sự tăng trưởng thương mại đáng kể giữa Việt Nam và EU cũng như củng cố tăng trưởng đầu tư của EU vào Việt Nam.
EU là đối tác thương mại lớn thứ 5, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN.
Phó Thủ tướng tin tưởng, việc hợp tác đầu tư giữa EU và Việt Nam với tiềm năng lớn chưa được khai thác sẽ phát triển mạnh mẽ sau khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực.
Đồng thời, ông đánh giá cao việc EU tăng cường hợp tác và tham gia với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua việc thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu.
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia các chiến lược hợp tác khu vực của EU trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, qua đó đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.
Hướng tới tăng cường hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - EU, Phó Thủ tướng đề nghị hai bên đẩy mạnh tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao, đặc biệt nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và EU vào năm 2025;
EU kêu gọi 9 quốc gia thành viên còn lại sớm phê chuẩn EPIPA; EC sớm dỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững cho thị trường EU, sinh kế của ngư dân;
EU tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thực hiện hiệu quả Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP); thúc đẩy hợp tác ba bên giữa Việt Nam, EU và một nước châu Phi trong lĩnh vực nông nghiệp; EU coi hợp tác với tiểu vùng Mekong là một ưu tiên trong việc thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị EU duy trì nguồn vốn ODA không hoàn lại cho Việt Nam giai đoạn 2024-2027, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng tái tạo, phát triển thị trường tín chỉ carbon, thực hiện CBAM, thủy sản bền vững, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng chiến lược...; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận Chương trình Horizon Europe về đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, ông mong muốn EU và các nước thành viên duy trì tiếng nói ủng hộ thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, nhằm duy trì an ninh, tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.
Tiếp lời Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Margaritis Schinas đánh giá cao những thành tựu phát triển cũng như vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam tại khu vực và các diễn đàn đa phương.
"EU coi Việt Nam là đối tác ưu tiên và quan trọng ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương", ông Margaritis Schinas nói.
Phó Chủ tịch EC cũng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác về tăng trưởng xanh, công nghệ "sạch", chuyển đổi số và ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như triển khai Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng, phòng chống IUU.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Phát triển Phần Lan Ville Tapani Tavio.
Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng đã đề nghị Phần Lan hỗ trợ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, qua đó hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng châu Âu tiếp cận các sản phẩm thủy sản chất lượng cao với giá cả cạnh tranh.
Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 (GEFE 2024) với chủ đề "Kiến tạo tươ ng lai xanh"diễn ra trong 3 ngày từ 21 - 23/10 tại Thiso Mall Sala (số 10, đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức, TP.HCM).
Sự kiện nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy đầu tư, hợp tác thương mại giữa châu Âu và Việt Nam.