Bình Dương là điểm đến công nghiệp hấp dẫn bậc nhất Đông Nam Á - Bài 1: Về nơi 'đất lành chim đậu'
Về Bình Dương - Nơi được xem là “đất lành chim đậu”, chúng tôi choáng ngợp trước tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương này. Hầu hết mọi nẻo đường đều có sự trú đóng của các khu công nghiệp (KCN), công ty, nhà máy, kho bãi, dịch vụ theo kèm và cả những khu nhà ở cho công nhân nữa…
“Thảm đỏ” thu hút nhân tài
Hơn 2 năm trước, Phan Thị Yến Nhi (32 tuổi, quê tỉnh An Giang) tìm đến Bình Dương làm việc cho một công ty nước ngoài. Dù môi trường làm việc khá tốt, đãi ngộ cao nhưng Yến Nhi vẫn khó thích nghi, vì vẫn mang theo nỗi nhớ nhà vào công việc. Rồi sau đó, Yến Nhi chuyển sang làm nhân viên ở bộ phận quản lý chất lượng của Fashion Development Joint Stock Company, trú đóng tại KCN Protrade. Tại đây, Yến Nhi đã tìm được cảm giác thân thuộc như ở nhà mình.
Cô gái kể: “Em thường nói chuyện với mẹ về cuộc sống và công việc ở đây. Ngoài chế độ tốt, còn có nhiều người bạn sống chan hòa, luôn quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Lãnh đạo công ty thì luôn thấu hiểu, xem người lao động là “cánh tay nối dài” và xây dựng môi trường làm việc, sản xuất thoải mái”.
“Ông chủ của em bảo rằng công nhân là “con gà đẻ ra quả trứng vàng”. Vì vậy, chúng ta cần phải trân trọng và chăm sóc chu đáo cho họ, dành cho họ nhiều phúc lợi hơn nữa. Có như vậy, họ mới ở lâu với mình”, Lê Thị Ánh nói về lời nhắn nhủ của Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty như thế.
Rồi cô công nhân năm nào, giờ đã là Trưởng phòng nhân sự, Chủ tịch công đoàn của Công ty TNHH Sheng Chang phấn khởi kể tiếp: “Em quê Quảng Bình, đã sống và làm việc ở Bình Dương được khoảng 20 năm. Giờ em có gia đình và 2 đứa con, sống ở gần đây thôi”.
Theo chị Lê Thị Ánh, Công ty TNHH Sheng Chang đến từ Đài Loan, chuyên sản xuất bình acquy, hiện đang sử dụng 650 lao động, thời điểm đông nhất có thể lên đến 800 người. Đây là công ty luôn coi trọng phát triển văn hóa doanh nghiệp, có môi trường lao động thân thiện và thoải mái, có chế độ lương bổng tốt, luôn quan tâm đến người lao động với các chế độ phúc lợi như: Trợ cấp nhà ở, chế độ chăm sóc y tế, lương thưởng tháng 13, nghỉ Tết, du lịch hàng năm…
Mỗi năm, Bình Dương đón nhận hơn 100.000 lao động như trường hợp của Yến Nhi và Lê Thị Ánh. Vậy nên, Trung tâm dịch vụ - việc làm tỉnh Bình Dương dù đã phải chuyển sang mô hình giao dịch online và xây dựng ứng dụng kết nối cung cầu lao động, phối hợp với các đơn vị ngoài nhà nước để nâng cao hiệu quả tư vấn việc làm; Nhưng có vẻ trung tâm này vẫn bị quá tải. Ngoài ra, đơn vị này cũng tổ chức đào tạo sơ cấp nghề, kỹ năng nghề cho hàng nghìn lao động khác.
“Tỉnh Bình Dương thu hút khoảng 1,3 triệu lao động, trong đó 53% là lao động nhập cư, chủ yếu là lao động trẻ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu sử dụng lao động tăng do kinh tế phục hồi, với hơn 3.200 doanh nghiệp cần tuyển trên 40.800 lao động. Các cơ quan chức năng đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 54.000 người và tạo thêm 17.500 việc làm, đạt 47,4% kế hoạch năm”, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết.
Đồng thời, đơn vị này cũng thông tin thêm, để bảo đảm tốt an sinh xã hội cho người lao động đến làm việc tại địa phương, tỉnh đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thành tất cả các hạng mục của Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, với quy mô 1.500 giường bệnh, chậm nhất vào cuối năm 2025. Kế đến, tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 4701/KH-UBND về việc thực hiện Đề án phát triển nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở công nhân trên địa bàn Bình Dương năm 2024 và năm 2025.
Theo đó, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được Chính phủ giao và chỉ tiêu phát triển NOXH trong Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh. Toàn tỉnh đã thực hiện được gần 16.000 căn, từ nay đến năm 2025 sẽ tiếp tục triển khai thêm khoảng 26.550 căn, đạt chỉ tiêu Chính phủ và Đề án được phê duyệt giai đoạn 2021-2025 là 42.000 căn.
Hiện Bình Dương vẫn tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác với các trường đại học, để tạo điều kiện cho sinh viên học tập và thực hành trong môi trường thực tế; Đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao như kỹ thuật số, công nghệ thông tin và sản xuất thông minh; Qua đó, cung cấp lực lượng lao động có tay nghề cao, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường lao động trong tỉnh.
Táo bạo chọn “lối đi” riêng
Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, Trương Văn Phong, cho biết: Từ khi được tách ra từ tỉnh Sông Bé vào ngày 01/01/1997, tỉnh Bình Dương đã kế thừa và phát huy mạnh mẽ những thành tựu của các thế hệ đi trước, năng động, sáng tạo, tiếp tục triển khai chủ trương, quyết sách mang tính đột phá, táo bạo, để huy động các nguồn lực, đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Dựa trên lợi thế về vị trí địa lý, nhất là nguồn lực sẵn có về đất đai, tỉnh đã quy hoạch tạo ra quỹ đất sạch để thu hút vốn đầu tư thông qua việc hình thành và phát triển các KCN. Đây là chủ trương và hướng đi đúng đắn, đóng vai trò rất quan trọng trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Vào thời điểm đó, khi cả nước còn loay hoay với mô hình khu chế xuất có nhiều vướng mắc về quy chế và chính sách thì Bình Dương đã đi đầu trong mô hình phát triển KCN. Rồi khi cả nước cùng phát triển KCN và chủ yếu bằng vốn nhà nước thì Bình Dương đã mạnh dạn cho ra đời những KCN có vốn liên doanh giữa nhà nước và tư nhân, sau đó là các KCN hoàn toàn do tư nhân đầu tư.
Theo ông Phong, Becamex IDC (Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP) chính là “đầu tàu” dẫn dắt KCN của tỉnh phát triển. Tiếp đến là VSIP (Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore) là hình mẫu đầu tiên của cả nước về KCN kiểu mẫu, hợp tác giữa hai nước. Năm 1997, tỉnh Bình Dương đã đề nghị Trung ương cho phép cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 13 bằng vốn tự lực, biến tuyến đường chiến lược này thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư cho toàn tỉnh.
Khi tách tỉnh, Bình Dương có 6 KCN, hầu hết tập trung ở khu vực phía Nam của tỉnh, với tổng diện tích quy hoạch là 800 ha. Năm 2000, tỉnh có 7 KCN được Chính phủ cấp giấy phép và đi vào hoạt động, với tổng diện tích trên 1.500 ha. Năm 2005, Bình Dương có 13 KCN đi vào hoạt động, trong đó một số KCN đã lấp kín trên 90% diện tích như: Sóng Thần I, Đồng An I, Bình Đường, Việt Hương I, Tân Đông Hiệp, VSIP I. Năm 2007, vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập thì tỉnh đã có đến 18 KCN. Năm 2010, Bình Dương đã có 28 khu công nghiệp…
Đến nay, toàn tỉnh có 33 KCN; Trong đó có 29 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích hơn 11.000 ha. Tỷ lệ cho thuê đất trong các KCN hiện nay đạt 93%. Hiện có 3.046 dự án đầu tư trong KCN, bao gồm 2.366 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký 28,6 tỷ đôla Mỹ (chiếm 72% tổng số vốn đầu tư nước ngoài thu hút được trên toàn tỉnh) và 680 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 91.000 tỷ đồng.
Để đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư trong những năm tới, Ban quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương đã tham mưu cho tỉnh quy hoạch thêm các KCN, dự kiến giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có thêm 15 KCN với tổng diện tích hơn 10.400 ha.
Nhưng trước mắt, Bình Dương sẽ tập trung đầu tư hoàn chỉnh các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Cùng với đó là đầu tư thêm mới các KCN phục vụ cho việc bố trí di dời các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam lên phía Bắc của tỉnh như: Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng. Tiếp đến là thu hút đầu tư KCN chuyên ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ở Bắc Tân Uyên và phát triển KCN khoa học công nghệ, KCN sinh thái ở Bàu Bàng.
“Có lẽ, lợi thế cạnh tranh về phát triển KCN của Bình Dương chính là sự thống nhất cách làm từ trên xuống dưới, từ Trung ương xuống tỉnh và xuống đến địa phương; Trong khi đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và doanh nghiệp cũng luôn giữ mối quan hệ mật thiết, tích cực trao đổi thông tin hai chiều, để kịp thời hỗ trợ hoặc tháo gỡ vướng mắc”, ông Trương Văn Phong nhấn mạnh.
Còn tiếp...