Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh làm việc với ngành Ngân hàng tỉnh
Chiều 18/10, Đoàn ĐBQH tỉnh đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Theo đó, Đoàn đã làm việc về tình hình hoạt động ngành Ngân hàng Quảng Ninh 9 tháng năm 2024; việc triển khai và kết quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của cơn bão số 3; trao đổi, thảo luận về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong 9 tháng năm 2024, ngành Ngân hàng Quảng Ninh đã bám sát các nghị quyết, chỉ đạo, điều hành của Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh, triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt các chủ trương, định hướng, giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trên địa bàn tỉnh có trên 21.300 khách hàng với tổng dư nợ gần 48.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng do bão số 3. Dư nợ bị thiệt hại trên 10.600 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 12.600 khách hàng với dư nợ hơn 871 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay đối với gần 5.600 khách hàng với tổng dư nợ 18.290 tỷ đồng.
Thực hiện cho vay mới đối với gần 3.900 khách hàng với tổng số tiền gần 1.500 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay gần 3.000 khách hàng với dư nợ 208 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị trước mắt, các ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng tỉnh để có các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu thiệt hại nặng nề sau bão số 3.
Chú trọng đến các vấn đề về việc xác định mức cho vay không có tài sản bảo đảm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; việc xử lý rủi ro đối với các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3;
Hỗ trợ khách hàng khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, nhất là các trường hợp không còn tài sản để thế chấp tiền vay; việc khoanh nợ; việc cho vay mới để khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh…
Đối với các kiến nghị tại buổi làm việc, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp đề xuất với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan, rà soát xem xét, giải quyết.