'Bơm' 200 tỷ gỡ khó giải phóng mặt bằng đường Bỉm Sơn - Nga Sơn
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá vừa quyết nghị cấp cho huyện Nga Sơn 200 tỷ đồng để tiến hành chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án từ khu công nghiệp Bỉm Sơn tới đường bộ ven biển Nga Sơn. Dự án quan trọng này đang bị chậm tiến độ do vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Dự án đường giao thông từ khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng mới 18,807km, với tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng đi qua thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung và huyện Nga Sơn. Dự án được thực hiện trong thời gian từ năm 2022 đến năm 2024.
Đến nay, do nhiều vường mắc, công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, giữa tháng 10/2024 nhưng khối lượng thi công mới đạt khoảng 57%. Nhiều khả năng dự án này sẽ lỡ hẹn về đích theo như kế hoạc đề ra.
Trao đổi với PV, ông Thịnh Văn Huyên, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho biết, dự án này đi qua 8 xã của huyện gồm Nga Trường, Nga Văn, Nga Yên, Nga Thanh, Nga Tân, Nga Thủy... Theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, huyện Nga Sơn phải hoàn thành bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại (831m) cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công trước ngày 2/9/2024. Thế nhưng do nhiều vướng mắc nên chưa thể hoàn thành.
Khối lượng phải giải phóng, bồi thường mặt bằng trên địa bàn rất lớn. Cụ thể, tại Nga Sơn (từ Km3+677-Km18+807) chiều dài thực tế là 12,765km, số hộ có đất phải thu hồi giải phóng 765 hộ. Đến nay đã bàn giao được 12,037/12,765km (đạt 94,3%). Các đoạn còn lại chưa bàn giao mặt bằng dài 0,728km vướng 98 hộ dân có đất ở. Một số đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu được bàn giao năm 2024, còn nhiều hộ không cho thi công.
Việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Nga Sơn hiện nay có một số khó khăn, vướng mắc. Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 phát sinh một số khó khăn vướng mắc làm kéo dài công tác giải phóng mặt bằng như: phải có bảng giá đất để tính tiền cho người được tái định cư trong khi các khu mặt bằng tái định cư của dự án chưa có bảng giá đất, thời gian công khai và đối thoại với người dân trong trường hợp chưa đồng ý phương án đền bù kéo dài hơn, một số quy của UBND tỉnh trong công tác bồi thường hết hiệu lực đến nay chưa có quy định thay thế…
Một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do còn thắc mắc về nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường dẫn đến có đơn kiến nghị, các biệt có hộ còn có biểu hiện thách thức.
Bên cạnh đó, tổng kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng theo tổng mức đầu tư được phê duyệt đoạn qua huyện Nga Sơn là 221,48 tỷ đồng (đã bao gồm dự phòng).
Nhu cầu kinh phí cho công tác GPMB khoảng 370,647 tỷ đồng (tăng 149,167 tỷ đồng so với dự toán trong Tổng mức ĐT). Đến nay, đã bố trí kinh phí GPMB được 109,216 tỷ đồng (huyện 59,216 tỷ, vay Quỹ đất 50 tỷ), còn thiếu so với dự toán phê duyệt dự án là 93,602 tỷ đồng và còn thiếu so với nhu cầu thực tế hiện nay là còn thiếu 261,431 tỷ đồng.
“Lãnh đạo tỉnh vừa họp, quyết nghị chi 200 tỷ đồng cho huyện Nga Sơn để có nguồn kinh phí chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Thời gian tới, chúng tôi sẽ huy động tối đa lực lượng để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng.
Trong đó, ưu tiên giải quyết sớm nhất các tồn tại trong đoạn xử lý nền đất yếu đối với 14 hộ dân đoạn tuyến Km13+900- Km14+650 (bằng các biện pháp tuyên truyền, vận động, thực hiện bảo vệ thi công. Phối hợp với các đơn vị có liên quan giải quyết kịp thời các yêu cầu chính đáng cho các hộ dân, thực hiện điều chỉnh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...) cơ bản hoàn thành trong tháng 10/2024”, ông Huyên nói.
Hiện nay, tranh thủ trời nắng ráo, chủ đầu tư đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tập trung giải quyết dứt điểm về các thủ tục liên quan đến vật liệu xây dựng, nhất là nguồn đất đắp, cát san lấp mặt bằng đảm bảo nguồn cung cấp vật liệu cho các dự án.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ với tinh thần tất cả vì lợi ích chung. Yêu cầu các nhà thầu thi công phần đường tập trung hơn nữa nguồn lực tài chính, vật tư, máy móc thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công bù phần đã chậm do nhiều nguyên nhân khác nhau.