Tâm điểm dư luận

Lập lại kỷ cương trong thi hành án hành chính

Trung Nguyễn 18/10/2024 - 09:49

Các tồn tại trong giải quyết các vụ án hành chính, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu trong tham gia giải quyết vụ án, thi hành các bản án hành chính đã được đề cập nhiều lần tại các diễn đàn Quốc hội.

Tại phiên họp 39 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, vấn đề này năm nào cũng nói, nhưng chưa giải quyết được. “Phải có chế tài đối với người đứng đầu các cơ quan hành chính không phối hợp, thậm chí không cung cấp thông tin và khi thi hành án là không tự giác thi hành án”, Phó Chủ tịch Quốc hội kiến nghị.

Về giải quyết vụ án hành chính, Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh, đây là vấn đề rất khó, rất phức tạp. Theo ông Tiến, Viện KSND các cấp đã ban hành 104 kiến nghị với UBND cấp tỉnh, trong đó Viện KSNDTC ban hành 27 kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện KSNDTC cho hay, UBND các cấp cũng có khó khăn vì các vụ án là xử lý những hậu quả tồn tại lâu dài liên quan đến đất đai, đặc biệt là đền bù, giải phóng mặt bằng.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cũng thừa nhận, khó khăn lớn nhất trong giải quyết các vụ án hành chính là sự phối hợp của các cơ quan hành chính - bị đơn trong các vụ án. “Đơn giản nhất, bây giờ bắt chủ tịch các địa phương ra tòa, ví dụ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh suốt ngày ra tòa thì không còn thời gian làm việc gì khác. Đây cũng là những vấn đề chúng tôi thấy thực sự khó khăn, vướng mắc”, ông Tuệ nói và cho rằng, để giải quyết vấn đề án hành chính cần đồng bộ.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, trong kỳ báo cáo (từ 1/10/2023 đến 31/7/2024), các vụ án hành chính được thụ lý 12.464 vụ, tăng 727 vụ; tỷ lệ xét xử, giải quyết đạt 52,98% (tăng 3,44%).

Về thi hành án hành chính, Ủy ban Tư pháp đánh giá, Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong thi hành án hành chính, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi công tác thi hành án hành chính ở địa phương. Theo đó, các cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền đã thi hành xong 667/1.754 bản án, quyết định (tăng 244 bản án, quyết định so với cùng kỳ).

Các Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính 579 bản án. Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 1.271 bản án, đăng tải công khai 547 quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 127 bản án.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, kỷ luật, kỷ cương trong thi hành án hành chính chưa nghiêm, kết quả thi hành án hành chính mới chỉ đạt 38,02%. Số vụ án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng ngày càng tăng.

Ủy ban Tư pháp cũng dẫn chứng, số việc chưa thi hành xong trong 10 tháng 2020 là 472 việc; 10 tháng 2021 là 505 việc; 10 tháng năm 2022 là 586 việc; 10 tháng năm 2023 là 777 việc; 10 tháng 2024 là 1.069 việc.

Đáng lưu ý, nhiều trường hợp người phải thi hành án hành chính là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước không tự nguyện thi hành, dẫn đến Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án.

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp nêu rõ, dù cơ quan thi hành án đã ban hành nhiều văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người không chấp hành án hành chính và Ủy ban Tư pháp cũng nhiều lần kiến nghị Chính phủ, nhưng đến nay cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện được việc xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp không chấp hành án hành chính.

Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án có trách nhiệm xử lý kỷ luật đối với cá nhân thuộc phạm vi quản lý có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án.

Công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và vị trí công tác có thể bị xử lý kỷ luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành án hoặc cản trở thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính. Người nào có hành vi không thi hành án, không chấp hành án, cố ý cản trở việc thi hành án có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Trong Nghị quyết số 55/2017/QH14, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo UBND, Chủ tịch UBND có liên quan thực hiện đúng quy định tại Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính, chấm dứt việc không chấp hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án...

Quy định và chế tài đã có, nhưng tình trạng người bị khởi kiện trong các vụ án hành chính không chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án vẫn kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước.

Đây cũng là nguyên nhân khiến công dân bức xúc, phát sinh đơn thư khiếu nại. Do vậy, phải xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành các bản án, quyết định của Tòa án thì mới lập lại kỷ luật, kỷ cương trong thi hành án hành chính.

Trung Nguyễn