Doanh nghiệp - Doanh nhân

Vì sao Tòa bác yêu cầu của Cảng Quy Nhơn đòi phong toả tài khoản đơn vị khác?

Hải Nam 18/10/2024 - 09:35

Thua kiện Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long (Công ty Cửu Long) và bị đề nghị Thi hành án, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (QNP – HOSE) đã gửi văn bản đề nghị phong toả tài khoản của Chi cục Thi hành án dân sự TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Yêu cầu vô lý nên không được chấp thuận

Liên quan đến vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng vay tài sản trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền” giữa Công ty CP Cảng Quy Nhơn (Công ty Cảng Quy Nhơn) và Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long (Công ty Cửu Long), ngày 20/9/2024, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (QNP – HOSE) đã chuyển khoản hơn 1,8 tỷ đồng thi hành án cho Chi cục Thi hành án dân sự TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) theo phán quyết của Quyết định Giám đốc thẩm số 06/2024/KDTM-GĐT ngày 4/9/2024, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, ngay sau khi thi hành án, Cảng Quy Nhơn đã có văn bản gửi TAND tỉnh Bình Định đề nghị “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” với lý do “để đảm bảo quyền lợi của Cảng Quy Nhơn, tránh thất thoát tài sản Nhà nước, Cảng Quy Nhơn kính đề nghị quý Toà căn cứ quy định tại Điều 124, 125 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản tại nơi gửi giữ” đối với số tiền 1.840.564.000 đồng (Một tỷ, tám trăm bốn mươi triệu, năm trăm sáu mươi tư nghìn đồng) tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Định”.

h3(1).jpg
Thua kiện, Cảng Quy Nhơn đề nghị phong tỏa tài khoản Chi cục THADS T.P Quy Nhơn

Ngay trong ngày 20/9, TAND tỉnh Bình Định lập tức đã có phản hồi về vấn đề này, trong đó nêu rõ: “Không có căn cứ để phong toả tài khoản của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Quy Nhơn”. Cụ thể, tại Thông báo số 3691/TB-TA ngày 20/9/2024, TAND tỉnh Bình Định nêu: “Số tiền 1.840.564.000 đồng mà Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn yêu cầu phong toả, không phải là đối tượng đang tranh chấp hoặc có liên quan gì đến vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 05/2024/TLST-KDTM ngày 23/01/2024. Mặt khác, không có căn cứ để phong tỏa tài khoản của Chi cục THADS T.P Quy Nhơn. Hơn nữa, Quyết định giám đốc thẩm số: 05/2024/TLST-KDTM ngày 23/01/2024 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, không quyết định Công ty TNHH vận tải biển Cửu Long phải có nghĩa vụ hoàn trả cho Công ty CP Cảng Quy Nhơn số tiền 53.480.418.064 đồng nên việc Công ty CP Cảng Quy Nhơn yêu cầu phong tỏa tài sản của Công ty TNHH vận tải biển Cửu Long để đảm bảo thi hành án là không có cơ sở”…

Nêu quan điểm về việc Cảng Quy Nhơn gửi văn bản đến TAND tỉnh Bình Định đề nghị “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, phong tỏa tài khoản của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Quy Nhơn, Luật sư Lê Minh Công – Đoàn Luật sư Hà Nội, cho biết: Phong tỏa tài sản là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.

Phong toả tài sản được thực hiện cả trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và trong quá trình thi hành án dân sự. Tài sản bị phong tỏa bao gồm: Tài sản của đương sự đang do đương sự giữ và tài sản của đương sự đang cho người khác thuê, mượn, gửi giữ hoặc sửa chữa. Tài sản bị phong tỏa có giá trị không được vượt quá nghĩa vụ tài sản mà người có tài sản bị phong tỏa phải thực hiện, trừ trường hợp họ không có tài sản khác để kê biên hoặc phong tỏa.

Như vậy, về bản chất phong tỏa tài khoản là biện pháp nhằm ngăn chặn việc người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án nhanh chóng, hiệu quả.

Vì vậy, việc Cảng Quy Nhơn căn cứ quy định tại Điều 124, 125 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đề nghị TAND tỉnh Bình Định áp dụng biện pháp khẩn cấp, “phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ” cụ thể là tài khoản Chi cục THADS Quy Nhơn là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Cảng Quy Nhơn thua kiện, thiệt hại ai gánh?

Theo nội dung vụ án, ngày 23/11/2021, Công ty Cảng Quy Nhơn khởi kiện yêu cầu Công ty Cửu Long thanh toán tiền mua dầu còn nợ từ năm 2018 là gần 284 triệu đồng và không yêu cầu thanh toán tiền lãi. Khi chưa có phán quyết của Tòa án, Công ty Cửu Long đã thanh toán dứt điểm công nợ mua dầu DO 283.997.529 đồng vào ngày 11/5/2023 cho Cảng Quy Nhơn.

h1(1).jpg
Việc chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền và phải trả thêm tiền lãi, Cảng Quy Nhơn đã gây thiệt hại cho cổ đông hơn 700 triệu đồng

Tuy nhiên, sau khi hai bên đã giải quyết dứt điểm công nợ, đến ngày 24/5/2023, Công ty Cảng Quy Nhơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Công ty Cửu Long thanh toán tiền lãi chậm trả của gần 284 triệu đồng với lãi suất 10%/năm. Số tiền Công ty Cảng Quy Nhơn yêu cầu Công ty Cửu Long thanh toán là hơn 124 triệu đồng.

Công ty Cửu Long có yêu cầu phản tố đề nghị Công ty Cảng Quy Nhơn phải trả số tiền hơn 1,1 tỉ đồng mà đại diện Cảng Quy Nhơn đã vay của Công ty Cửu Long từ ngày 1/2/2018 để phục vụ cho công việc của Cảng Quy Nhơn.

Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 52/2023/KDTM-ST ngày 6/9/2023, TAND TP Quy Nhơn quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cảng Quy Nhơn về việc yêu cầu Công ty Cửu Long thanh toán tiền lãi chậm trả đối với số tiền mua bán dầu. Chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cửu Long, buộc Công ty Cảng Quy Nhơn trả cho Công ty Cửu Long số tiền gần 1,8 tỉ đồng bao gồm tiền vay hơn 1,1 tỉ đồng và tiền lãi.

Ngày 19/9/2023, Công ty Cảng Quy Nhơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên. Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 05/2024/KDTM-PT ngày 12/4/2024, TAND tỉnh Bình Định quyết định: Chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 52/2023/KDTM-ST ngày 6/9/2023 của TAND Quy Nhơn.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cảng Quy Nhơn, buộc Công ty Cửu Long trả cho Công ty Cảng Quy Nhơn hơn 124 triệu đồng tiền lãi. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty Cửu Long buộc Công ty Cảng Quy Nhơn trả cho Công ty Cửu Long số tiền gốc hơn 1,1 tỉ đồng. Không chấp nhận yêu cầu trả tiền lãi của số tiền gốc hơn 1,1 tỉ đồng. Ngay sau đó, Công ty Cửu Long khiếu nại bản án phúc thẩm.

Ngày 1/8/2024, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành kháng nghị Giám đốc thẩm số 02/2024/KN-KDTM và sau đó, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã đưa vụ án ra xét xử.

Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 06/2024/KDTM-GĐT ngày 4/9/2024, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị Giám đốc thẩm của Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng. Sửa bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Định. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cảng Quy Nhơn về việc yêu cầu Công ty Cửu Long trả số tiền lãi 124 triệu đồng của gần 284 triệu đồng công nợ mua dầu DO đã được thanh toán. Chấp nhận phản tố của Công ty Cửu Long, buộc Công ty Cảng Quy Nhơn trả cho Công ty Cửu Long số tiền hơn 1,84 tỉ đồng bao gồm hơn 1,1 tỉ đồng tiền gốc và hơn 700 triệu đồng tiền lãi.

Được biết, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn là công ty con trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và có vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng. Trong cơ cấu cổ phần của Cảng Quy Nhơn, Nhà nước chiếm 75,01% vốn điều lệ; cán bộ, nhân viên trong trong công ty chiếm 4,81%; Công đoàn công ty chiếm 0,19%; nhà đầu tư chiến lược chiếm 12,45%; cổ đông đại chúng chiếm 7,54%. Cảng Quy Nhơn niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) với mã chứng khoán QNP.

Với tư cách là một công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán, có thể nhận thấy, với việc chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền và phải trả thêm tiền lãi, Cảng Quy Nhơn đã gây thiệt hại cho cổ đông hơn 700 triệu đồng. Trong đó, bị thiệt hại nhiều nhất chính là Nhà nước khi chiếm tới 75,01% vốn điều lệ.

Hải Nam