Đồ ăn đường phố không đảm bảo, người mua "tặc lưỡi" cho qua
Thức ăn đường phố được xem như là một nét đặc trưng trong ẩm thực Việt. Song không thể không nhắc đến vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lại là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nõi mãi"
Bước chân ra đường, ai cũng có thể thấy tại nhiều khu chợ truyền thống, cổng trường học, vỉa hè, cổng bệnh viện... không khó để tìm mua các loại thực phẩm đã được chế biến sẵn, bày bán bắt mắt từ gánh hàng rong hay hàng quán ngồi bệt vỉa hè như bánh mì, cơm cuộn sushi, bún thịt nướng, chân gà, cánh gà...
Những nơi này chủ yếu chế biến thức ăn luôn trên xe đẩy di động để người mua mang đi, ngồi bệt vỉa hè hoặc chế biến sẵn từ nhà... Khách hàng của những hàng quán này rất đa dạng, từ người đi làm, học sinh, sinh viên đến cả bệnh nhân đang điều trị.
Những đồ ăn này có nhiều tiện lợi, món ăn đa dạng, song không thể không nhắc đến vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, dù đó vẫn là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".
Theo các chuyên gia y tế, những thực phẩm này thường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Dù vậy, người mua cũng không quá quan tâm đến các điều kiện vệ sinh khó nhìn thấy này.
Đa số các hàng quán vỉa hè là mô hình kinh doanh nhỏ lẻ nên nhiều nơi không cần đăng ký kinh doanh, không cung cấp đủ điều kiện an toàn thực phẩm, lo lắng nhất là nguồn nguyên liệu.
Đặc điểm một số nguồn bán thức ăn đường phố là di chuyển liên tục, do vậy sẽ gây khó khăn cho công tác kiểm tra. Thực tế những vụ ngộ độc bếp ăn trong trường học, khu công nghiệp đã giảm hẳn vì kiểm tra rất nhiều.
Nhiều vụ ngộ độc xảy ra do thức ăn đường phố thường không lưu mẫu thức ăn, khó khăn khi xác định được nguyên nhân ngộ độc.
Hơn nữa, số lượng hàng quán thức ăn đường phố hiện nay rất lớn, do đó rất khó, hoặc không đủ nhân lực để huy động kiểm soát hết tất cả.
Có thể nói, việc quản lý an toàn thực phẩm đã khó, đối với đồ ăn kinh doanh trên đường phố còn khó khăn hơn.
Quản lý thế nào?
Mặc dù quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh đều đã có. Tuy nhiên, thực tế để “áp” quy định với các quán vỉa hè cũng khó. Hầu hết quán đường phố chế biến đồ ăn tại chỗ trên vỉa hè hoặc trên xe đẩy, điều kiện vệ sinh khó đảm bảo. Người mua đa số đều là khách vãng lai, không phải ngày nào cũng mua và không quá “khắt khe” về vấn đề vệ sinh nên một số người bán hàng có tâm lý bán một lần là xong, không cần giữ khách.
Nhìn vào số lượng hàng quán thức ăn đường phố hiện nay, có thể nói lực lượng chức năng rất khó, hoặc không đủ nhân lực để huy động kiểm soát hết tất cả. Vấn đề mấu chốt và quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với xã hội. Muốn vậy cần phải giáo dục ý thức cho cả người bán lẫn người mua...
Song, việc thay đổi tư duy người tiêu dùng cũng rất khó vì văn hóa ẩm thực đường phố vừa rẻ, tiện và hợp khẩu vị.
Đặc biệt, để bảo an toàn cho chính mình, bản thân người ăn cần tránh thói quen tùy tiện, nên chọn cơ sở có thương hiệu, sạch sẽ, thoáng mát, có đăng ký, tránh vỉa hè có côn trùng, nước bẩn...
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp
Các đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp).
Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.
Các cơ quan chức năng cần quy định nơi buôn bán đã thẩm định vệ sinh an toàn, về lâu dài cần có các giải pháp bền vững hơn như việc kiểm soát nguồn cung thực phẩm cho những hàng quán này…
PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên (trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM) cho rằng những cơ sở kinh doanh có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đi nữa thì cũng chỉ mang tính chất kiểm tra, đủ điều kiện để cấp phép tại thời điểm đó. Sau đó, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, không chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh, mất an toàn.
Nhìn chung, cần sự quan tâm và vào cuộc từ nhiều phía, phải làm sao để thông tin về những vụ ngộ độc thực phẩm chỉ là hãn hữu chứ không để tình trạng “cơm bữa” như thời gian qua. Món ăn ngon nhưng phải tạo được niềm tin, sự đảm bảo với du khách về sự an toàn, để du khách không e dè khi thưởng thức món ăn đường phố…