Văn hóa - Du lịch

Những ngôi làng cổ đẹp như thiên đường ở Hà Giang

Nhóm PV 18/10/2024 - 08:32

Hà Giang đang bước vào mùa đẹp nhất trong năm, tiết trời vào thu không khí trong lành, hương của núi rừng tỏa đi mênh mông. Trong không khí se se lạnh, điểm đến lý tưởng cho du khách trải nghiệm là những ngôi làng cổ tích huyền thoại của miền đất nơi địa đầu Tổ quốc.

Ngôi làng cổ thiên hương

Thời gian lý tưởng nhất đi du lịch Hà Giang là từ tháng 9 đến khoảng tháng 3 năm sau vì đây không chỉ là mùa lúa chín, mùa hoa nở rợp trời mà còn là thời điểm diễn ra các lễ hội mùa Xuân của đồng bào miền núi và hoa tam giác mạch nở rộ.

ha-giang-1-7-(1).jpg
Làng cổ Thiên Hương trên cao nguyên đá Đồng Văn rất thích hợp đối với những ai yêu thích vẻ đẹp cổ xưa, yên tĩnh, trải nghiệm cuộc sống bình dị

Làng cổ Thiên hương, nằm cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 7km, ngôi làng cổ này đã tồn tại cách đây gần 200 năm, là nơi hội tụ nét văn hoá kiến trúc cổ kính lâu đời và đặc trưng nhất của các gia đình dân tộc Tày ở Đồng Văn.

Làng Thiên Hương (còn gọi là làng Mã Pắng) là nơi cư ngụ của đồng bào dân tộc Tày. Họ sống bằng nghề nông và sản xuất rượu. Đầu làng là những cây đa cổ thụ 4-5 người ôm không xuể, có tuổi đời hàng trăm năm

thien-huong-.jpg
Không gian bình dị ngôi làng cổ Thiên Hương.

Đây là điểm đến rất thích hợp đối với những ai yêu vẻ đẹp cổ xưa và sự yên tĩnh của vùng cao. Bước vào con đường làng, bạn sẽ nhìn thấy phía xa xa những mái nhà trình tường xen kẽ mái ngói âm dương vô cùng cổ kính. Đứng từ con đường uốn lượn trên cao nhìn xuống, dòng sông Nho Quế chảy phía dưới sẽ khiến du khách thêm ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ.

Ngôi làng mùa Xuân Lao Xa

Thôn có khoảng 100 hộ đồng bào dân tộc Mông, chủ yếu sinh sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Không quá đông như Lũng Cẩm và cũng chưa phát triển du lịch như Lô Lô Chải..., Lao Xa còn vô cùng hoang sơ giữa cao nguyên đá.

ha-giang-1-17-.jpg
Ngôi làng Lao Xa rực rỡ các loài hoa khi Xuân sang.
ha-giang-1-8-.jpg
Lao Xa là ngôi làng của mùa Xuân, mùa các loài hoa

Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang rực rỡ các loài hoa khi mùa Xuân đến như hoa cúc, hoa đào, hoa mận... Lao Xa đặc trưng với những con đường, bờ rào đá hoang sơ. Đến đây, bạn sẽ được đắm chìm vào những khung cảnh lãng mạn ngập tràn sắc hồng của hoa đào, sắc vàng rực rỡ của hoa cải và sắc trắng tinh khôi của những chùm hoa mận. Khung cảnh thiên nhiên thật mộng mị và kỳ vĩ.

Nằm trên một vùng đất có địa hình đồi núi thoai thoải, thôn Lao Xa không chỉ đẹp với cảnh quan hùng vĩ, độc đáo mà còn là nơi lưu giữ nhiều lớp trầm tích về sự gắn kết của cộng đồng dân cư và vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ cùng văn hóa độc đáo của đồng bào bản địa.

Những năm gần đây, Lao Xa trở thành "tọa độ" yêu thích của du khách khi người dân nơi đây biết làm du lịch. Hiện nay, có 3 hộ gia đình trong thôn đầu tư phát triển du lịch homestay, thu hút rất nhiều du khách ghé thăm. Ngôi làng này nổi tiếng đẹp nhất vào màu xuân, lúc này trăm hoa đua nở với màu trắng của hoa mận, vàng rực của hoa cải hay hồng nhẹ của hoa đào. Bên các nếp nhà trình tường nằm lớp cao lớp thấp, những bức tường đá đơn bạc trăm tuổi nằm xen kẽ các mỏm đá tai mèo thô sơ nhưng vô cùng thơ mộng.

Bản Lô Lô Chải - ngôi làng cổ tích

Lô Lô Chải nằm nép mình dưới chân Núi Rồng, cách cột cờ Lũng Cú 1km, thuộc xã Lũng Cú, huyện Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang. Mảnh đất vùng viễn biên, nơi những gia đình người Lô Lô, người H’Mông sinh sống và bám rễ, nơi những con người ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc này vẫn ngày qua ngày làm bạn với gió sương.

ha-giang-1-1-.jpg
Một góc bình dị của bản Lô Lô Chải.

Với 90% dân cư là đồng bào Lô Lô, ngôi làng gần như giữ được vẹn nguyên những nét văn hoá rất riêng của người Lô Lô, từ kiến trúc nhà trình tường, các nghề thuyền thống như: thêu, làm mộc... tới các lễ hội truyền thống như: lễ cúng thần rừng, lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới và các điệu múa dân gian.

Ngôi làng hoang sơ Du Già

Cách trung tâm thành phố khoảng 70km, Du Già thuộc huyện Yên Minh, là một trong những ngôi làng cổ hiện đang được khai thác du lịch ở Hà Giang. Nơi đây nổi tiếng với vẻ đẹp yên bình, mộc mạc. Sở hữu nhiều cảnh đẹp, nhưng đường đến Du Già khá khó vì có nhiều đoạn dốc dài, thẳng đứng hay những đoạn cua "thách thức" tay lái.

Bên cạnh giá trị cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tài nguyên đa dạng, phong phú, cộng đồng dân tộc Mông, Dao, Tày… còn lưu giữ được các nét văn hóa truyền thống như: Lễ cấp sắc, lễ cúng cơm mới, lễ hội cầu mùa, lễ hội Gầu Tào, lễ Tết nhảy, chợ phiên, chợ tình… Nơi đây du khách sẽ bắt gặp những màu sắc của trang phục thổ cẩm, thưởng thức những làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc mang đậm nét truyền thống và giá trị nhân văn sâu sắc.

du-gia.jpeg
Ở Du Già các ngôi nhà đều xây theo kiểu nhà sàn của người Tày, bao quanh là ruộng lúa xanh ngắt cùng thác suối đổ tạo nên một khung cảnh bình dị và nên thơ.

Đến với xã Du Già, du khách sẽ trải nghiệm cuộc sống bình dị, cùng hòa mình vào thiên nhiên với rừng quốc gia Du Già và thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc: gà xương đen, thịt treo gác bếp, rau rừng, cá suối… và nhiều điểm đến du lịch trải nghiệm hấp dẫn như Vườn Quốc gia Du Già, chợ phiên Du Già, chợ tình Du Già.

Làng văn hóa du lịch Nặm Đăm - thung lũng xanh

Một trong những ngôi làng bạn không thể bỏ qua khi đến Hà Giang là Nặm Đăm. Nặm Đăm thuộc huyện Quản Bạ, cách trung tâm thành phố khoảng 50km, đường đi khá thuận lợi. Ngôi làng nổi bật với những con đường nhỏ uốn lượn quanh những ngôi nhà, hai bên đường là ruộng bậc thang và những đồng cỏ xanh phủ đầy hoa dại. Những năm gần đây, người dân trồng rất nhiều gốc đào, gốc mận, nên từ khoảng tháng 1 đến tháng 4, nơi đây sẽ ngập tràn hơi thở của mùa Xuân với những cành hoa khoe sắc rạng rỡ. Cùng đó, vị trí gần cổng trời Quản Bạ nên ngôi làng thu hút đông đảo khách du lịch.

nam-dam.jpg
Làng văn hóa du lịch Nặm Đăm bát ngát xanh điểm đến nhiều du khách đến với Quản Bạ (Hà Giang). (Ảnh: @tetminhduky)

Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, cộng với những giá trị truyền thống được gìn giữ khá tốt, đến đây du khách được hòa mình trong không gian của những ngôi nhà trình tường đặc trưng, những người dân mặc trang phục dân tộc Dao, mộc mạc và hết sức thân thiện. Bảo tồn truyền thống và phát triển du lịch đã trở thành hướng đi bền vững cho Nặm Đăm. Nhờ đó, thời gian qua Nặm Đăm vinh dự được nhận giải thưởng Asean dành cho mô hình lưu trú kết hợp với giới thiệu, trải nghiệm và bảo tồn di sản trên Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn.

Vẻ đẹp 3 ngôi làng giữa lòng TP. Hà Giang

Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài là 3 thôn vùng cao thuộc xã phương độ, cách thành phố Hà Giang khoảng chừng chục km. Du lịch 3 thôn vùng cao đẹp nhất trong năm khi những thửa ruộng vào mùa đổ nước và khi lúa dát vàng khắp các bậc ruộng màu mỡ. Thôn Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài có khoảng 90ha ruộng bậc thang.

ha-giang-1-15-.jpg
Vào trung tuần tháng 10, những thửa ruộng bậc thang tại 3 thôn vùng cao Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài của xã Phương Độ (TP. Hà Giang) bắt đầu chín rộ.

Tại thời điểm trung tuần tháng 10, nơi đây khoác lên mình một tấm áo vàng trong như nắng, rực rỡ nhưng cũng thật tinh khôi.

Những ngôi làng "vàng" Hoàng Su Phì

Ruộng bậc thang là một "đặc sản" du lịch của huyện Hoàng Su Phì thuộc tỉnh Hà Giang, nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ và quyến rũ. Ruộng bậc thang có lịch sử hình thành cách đây 200-300 năm, được tạo ra bởi sự lao động và sáng tạo của người dân địa phương, chủ yếu là các dân tộc thiểu số như Nùng, Dao, Mông, La Chí, Tày, Phù Lá, H’Mông, Pu Péo,….

Diện tích của những thửa ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì là khoảng 3.000ha, bao gồm nhiều xã như Bản Luốc, Bản Phùng, Tả Sử Chơi, Nậm Tỵ, Sán Sả Hồ. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được công nhận là di sản văn hóa quốc gia vào năm 2012.

ban-phung-hg.jpg
Ruộng bậc thang bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang.

Tại Hoàng Su Phì chúng ta có thể trải nghiệm những bản làng thiên đường địa danh nổi tiếng như Chiêu Lầu Thi, Bản Phùng; Hồ Thầu; đỉnh núi cao nhất và nổi tiếng nhất của vùng núi Đông Bắc Việt Nam là Tây Côn Lĩnh. Đỉnh núi này nằm trên dãy núi chạy dọc theo thượng nguồn sông Chảy, thuộc địa bàn hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang. Tây Côn Lĩnh có độ cao 2419m, tạo nên một địa hình đa dạng và phong phú. Ở chân núi là khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, còn đỉnh núi là khí hậu ôn đới núi cao. Do sự chênh lệch về nhiệt độ, đỉnh núi thường xuyên bị bao phủ bởi sương mù và mây trắng.

Nhóm PV