VKSND và TAND TP. Hà Nội tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án dân sự
Ngày 17/10, VKSND TP. Hà Nội và TAND TP. Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành rút kinh nghiệm các vụ, việc dân sự - hôn nhân gia đình bị sửa, hủy và chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
Hội nghị trực tuyến được tổ chức tại điểm cầu chính là Hội trường VKSND TP. Hà Nội và kết nối với 30 điểm cầu tại VKSND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội.
Dự và chủ chì Hội nghị có đồng chí Đào Thịnh Cường, Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội, đồng chủ trì Hội nghị còn có đồng chí Đào Sĩ Hùng, Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội.
Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội, đồng chí Bùi Thị Hồng Anh, Phó Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội cùng các đồng chí lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, lãnh đạo VKSND, TAND các quận, huyện, thị xã của TP. Hà Nội, các Thẩm phán, Kiểm sát viên, công chức của VKSND, TAND hai cấp TP. Hà Nội.
Theo báo cáo, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, TAND hai cấp TP. Hà Nội đã thụ lý 36.574 vụ, việc sơ thẩm, 1.647 vụ, việc phúc thẩm; đã giải quyết 30.161 vụ, việc sơ thẩm (đạt 82,5%) và 1.328 vụ, việc phúc thẩm (đạt 80,6%).
Trong đó, cấp sơ thẩm xét xử 4.841 vụ và mở phiên họp giải quyết 748 việc; đình chỉ trước phiên tòa: 6.561 vụ, việc; công nhận thỏa thuận của đương sự trước phiên tòa: 17.839 vụ, việc; tạm đình chỉ: 172 vụ, việc.
Cấp phúc thẩm đình chỉ trước phiên tòa 69 vụ, việc, xét xử 1.259 vụ, gồm: y án sơ thẩm 437 vụ; sửa án 559 vụ (trong đó sửa lớn 41 vụ), đình chỉ tại phiên tòa do đương sự rút đơn 190 vụ; hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án 28 vụ, hủy theo thủ tục phúc thẩm để giải quyết lại 45 vụ.
Trong số 29.478 vụ, việc, TAND quận, huyện đã giải quyết thì có 559 vụ, việc bị TAND thành phố sửa án (chiếm tỷ lệ 1,89%) và 45 vụ, việc bị TAND thành phố hủy án để giải quyết lại (chiếm tỷ lệ 0,15%).
Các vụ án bị TAND thành phố hủy chủ yếu tập trung vào các việc, như: tranh chấp về hợp đồng: 13 vụ (chiếm tỷ lệ 28,8%), tranh chấp về thừa kế 12 vụ (chiếm tỷ lệ 26,7%), tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất 9 vụ (chiếm 20%), tranh chấp đòi tài sản (tiền) 5 vụ (chiếm 11,1%); các tranh chấp về hôn nhân gia đình chiếm tỷ lệ nhỏ - 2 vụ (chiếm 4,4%)…
Tại Hội nghị, Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội Đào Sỹ Hùng cho biết, số lượng các vụ án bị sửa, hủy ngày càng nhiều có một phần nguyên nhân do các Thẩm phán bị quá tải về số vụ án thụ lý giải quyết. Theo thống kê, số lượng án thụ lý năm sau thường nhiều hơn năm trước khoảng 8-10%, trong khi số lượng Thẩm phán không được tăng thêm, dẫn đến việc quá tải thụ lý xét xử cho Thẩm phán. Trung bình trong năm, mỗi Thẩm phán phải giải quyết từ 60 - 80 vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình.
Từ thực tế này, Phó Chánh án Đào Sỹ Hùng xác định, năm 2025, liên ngành Tòa án - Viện Kiểm sát TP. Hà Nội phải giải quyết dứt điểm loại vụ việc này hoặc hạn chế đến mức tối đa các vụ án bị hủy, bị sửa hoặc bị tồn đọng kéo dài…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều phương án hiệu quả, từ việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, thu thập, đánh giá chứng cứ và đổi mới phương pháp điều tra, đảm bảo xét xử đúng pháp luật, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết nhiều vụ án đặc biệt đối với vụ án tồn đọng, quá hạn trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội Đào Thịnh Cường đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, Kiểm sát viên VKSND hai cấp thành phố trong thực hiện công tác kiểm sát giải quyết án dân sự và công tác xét xử của các Thẩm phán TAND hai cấp những năm qua. Mặc dù, số lượng án thụ lý, giải quyết ngày một tăng nhưng hai ngành đã phối hợp tốt với nhau trong giải quyết án, chủ động phối hợp tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Chất lượng công tác kiểm sát giải quyết án dân sự ngày càng được nâng cao, các vụ án được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định, các quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa được HĐXX chấp nhận; nhiều bài phát biểu của Kiểm sát viên có chất lượng tốt, lập luận có căn cứ, có sức thuyết phục làm cơ sở để Hội đồng xét xử ban hành bản án, quyết định đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Tuy nhiên, nghiêm túc đánh giá vẫn thấy không ít trường hợp phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa còn chung chung, hình thức và sơ sài, chưa tổng hợp, phân tích đầy đủ tình tiết, nội dung vụ án để đưa ra nhận định, đánh giá trên cơ sở quy định pháp luật; vẫn còn nhiều vụ án bị sửa, hủy do có trách nhiệm của Viện kiểm sát, Tòa án…
Viện trưởng Đào Thịnh Cường đề nghị các đơn vị VKSND hai cấp thành phố nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm, giải pháp được đưa ra thảo luận Hội nghị này, để có những thay đổi phù hợp với tình hình thực tiễn, giúp công tác phối hợp giữa VKSND và TAND hai cấp thành phố ngày càng chặt chẽ và đi vào chiều sâu; đề nghị lãnh đạo các đơn vị quán triệt, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung, ý kiến đã được thống nhất tại Hội nghị, đồng thời tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp số 02/QCPH-VKS-TA ngày 30/6/2023 giữa VKSND và TAND hai cấp TP. Hà Nội trong công tác giải quyết án dân sự.
Viện trưởng Đào Thịnh Cường mong muốn lãnh đạo TAND thành phố quan tâm, chỉ đạo TAND hai cấp tiếp tục tăng cường phối hợp với VKSND hai cấp thành phố, nhất là việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai ngành, cần chủ động trao đổi các vấn đề nghiệp vụ trong công tác giải quyết án và trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để công tác phối hợp giữa hai ngành trong thời gian tới ngày càng đạt kết quả cao hơn; tăng cường chỉ đạo và giám sát việc thực hiện các kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát.