Sức khỏe

Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống tác hại của rượu bia

Nguyễn Thị Dung 16/10/2024 - 16:12

Với những mục tiêu cụ thể và giải pháp đồng bộ, Đề án Truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030 hướng tới nâng cao công tác truyền thông phòng, chống tác hại của rượu bia, đồng thời đẩy mạnh giám sát và xử lý vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và xây dựng một xã hội an toàn, văn minh.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1169/QĐ-TTg ngày 11/10/2024 phê duyệt Đề án Truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030.

Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030 đạt 95% người dân trưởng thành được truyền thông về tác hại của rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

100% người điều khiển phương tiện giao thông được truyền thông, phổ biến quy định của pháp luật về việc không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông và 100% cơ sở giáo dục thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh viên.

ruou-bia.jpeg
Một trong những mục tiêu của đề án là 100% cơ sở giáo dục thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh viên

Phấn đấu 95% cơ sở kinh doanh rượu, bia; 90% hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công được truyền thông, hướng dẫn các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đến năm 2030 có 90% báo in, báo điện tử của các bộ, ngành; 90% đài phát thanh, truyền hình ở trung ương, địa phương và hệ thống đài truyền thanh cấp xã đăng tải, phát thanh tin bài về phòng, chống tác hại của rượu, bia hằng tháng; 90% phóng viên, người tham gia hoạt động thông tin cơ sở được tập huấn, cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, đề án đã đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, bao gồm việc tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền trong công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu bia. Các cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đồng thời bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực để thực hiện đề án một cách hiệu quả.

Xây dựng và phổ biến các tài liệu truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu bia, đảm bảo phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Việc cung cấp và phân phát tài liệu truyền thông cần được thực hiện kịp thời, đa dạng về hình thức và nội dung từ trung ương đến địa phương.

Song song với đó, các hình thức truyền thông hiệu quả, phù hợp cần được triển khai, bao gồm việc tổ chức thường xuyên các chương trình và chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu bia dưới nhiều hình thức khác nhau. Công tác này cũng cần được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, internet, điện thoại di động và các hình thức tư vấn trực tuyến.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia từ trung ương đến địa phương; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi làm lan truyền các thông tin sai sự thật, không đúng quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Nguyễn Thị Dung