Người giữ hồn Khmer nơi đất Mũi

Đời sống - Ngày đăng : 11:35, 24/05/2017

Suốt nhiều năm qua, ông lặn lội đến từng xóm ấp của người Khmer vùng Tây Nam Bộ để tuyển lựa những em có năng khiếu nghệ thuật để đưa về đào tạo.

Và ông cũng dày công đi sưu tầm các nhạc cụ, các thư tịch cổ ghi lại những lời ca, điệu múa của dân tộc Khmer bị bỏ quên trong mỗi ngôi nhà hay ngôi chùa khắp miệt vườn sông nước. Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ ấy, ông đã và đang góp phần làm hồi sinh nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa Khmer truyền thống, giúp nó không bị lãng phai đi.

Ông là Thạch Duyên – Nghệ nhân của Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau, người được đồng bào ở vùng đất nằm tận cùng Tổ quốc này xem như là “Người giữ hồn Khmer nơi đất Mũi”.

Đam mê nghệ thuật từ thuở nhỏ

Gặp nghệ nhân Thạch Duyên khi ông đang tất bật chuẩn bị tập luyện tiết mục cho Đội Thông tin – văn nghệ Khmer tỉnh Cà Mau, tôi có cảm giác như ông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi ngoại lục tuần. Người ta thường gọi ông là anh Ba Duyên, chú Ba Duyên một cách đầy trìu mến mỗi khi ông cùng đoàn xuống biểu diễn phục vụ bà con. Hơn một nửa cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật âm nhạc cổ truyền của dân tộc mình, ông và những nghệ sĩ của Đội đã mang niềm vui đến những thôn ấp Khmer xa xôi, hẻo lánh của tỉnh Cà Mau.

Người giữ hồn Khmer nơi đất Mũi

Nghệ nhân Thạch Duyên (thứ hai, từ trái sang) đang tập đàn cùng anh em trong Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau

Sinh ra tại Trà Vinh, thuở thiếu niên, như bao chàng trai Khmer khác, Thạch Duyên xuống tóc vào chùa tu tập, học đạo làm người để trả hiếu ông bà, cha mẹ. Khi vừa tròn 20 tuổi, ông về đầu quân cho Đoàn nghệ thuật Samaky của tỉnh Minh Hải, sử dụng thuần thục các ngón đàn như dàn nhạc ngũ âm, đàn Ta Kê, đàn Khưm và hàng trăm điệu hát... Sau khi tỉnh được chia tách thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, Thạch Duyên do còn vướng bận gia đình đành gác lại giấc mơ nghệ thuật dở dang để ở lại Cà Mau quê vợ, khai luồng mở lạch, vật đất để làm đìa nuôi tôm sú. Vất vả sinh cơ là một lẽ, nhưng Thạch Duyên càng rầu ruột hơn khi thấy bạn bè theo Đoàn Samaky về Bạc Liêu ngày một tiến xa trong nghề. Vậy là ông cùng vợ tập hợp những người đam mê ca hát lập ra nhóm văn nghệ Khmer để tham gia phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng ở địa phương.

Nói về Thạch Duyên với một tình cảm đầy mến phục, anh Nguyễn Văn Tri, một trong những thành viên đầu tiên của Đội Thông tin – Văn nghệ Khmer tỉnh Cà Mau kể lại quãng thời gian 5 năm anh cùng nghệ nhân Thạch Duyên bươn bải khắp nơi để thành lập và duy trì hoạt động của Đội. Anh Tri kể, năm 2007, Đội Thông tin – văn nghệ Khmer được tỉnh cho phép thành lập, người đầu tiên anh Tri nghĩ tới để kề vai sát cánh cùng mình là Thạch Duyên và đề nghị tỉnh bổ nhiệm Thạch Duyên là đội phó. Hai người thuộc hai dân tộc khác nhau nhưng cùng chung lòng yêu mến, trân trọng nghệ thuật Khmer nên dễ dàng gắn bó và thân thiết. Họ cùng nhau đến mọi thôn ấp của người Khmer vùng Tây Nam Bộ để tuyển lựa những em có năng khiếu nghệ thuật để đưa về đào tạo thành diễn viên nòng cốt của đoàn. Rồi tiếp tục đi sưu tầm các nhạc cụ, các thư tịch cổ ghi lại các bài hát, tích trò bị bỏ quên trong mỗi ngôi nhà, trong các ngôi chùa Khmer.

Thời điểm mới được thành lập, Đội gặp phải vô vàn khó khăn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, anh em từ khắp nơi tụ họp về, trình độ hạn chế. Để có thể dàn dựng được mỗi tiết mục đầu tiên, anh em trong Đội đã phải cố gắng rất nhiều. Khó khăn là vậy, nhưng cùng với sự chung sức chung lòng của các thành viên, sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, nhất là sự kỳ vọng của cộng đồng người Khmer, đội đã nhanh chóng “vươn vai” trở thành một trong những đơn vị hoạt động nghệ thuật năng nổ và đạt được nhiều thành tích của tỉnh nhà. Tiếng vang của Đội đã dần vượt khỏi phạm vi địa phương, sánh vai cùng các đoàn nghệ thuật Khmer có tiếng trong khu vực ĐBSCL, góp phần khơi dậy và phát huy những giá trị nền văn hoá cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer.

Trăn trở với văn hóa cổ truyền

Nghệ nhân Thạch Duyên không giấu sự trăn trở của mình trước mong muốn bảo vệ nghệ thuật cổ của người Khmer xưa. Bởi theo Thạch Duyên thì từ xa xưa, âm nhạc có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hoá của đồng bào người Khmer nói chung, cũng như đồng bào Khmer ở Cà Mau nói riêng. Trong tất cả các lễ hội, Tết, lễ nghi (tôn giáo, tín ngưỡng), lễ cưới… đều không thể thiếu âm nhạc, lời ca, điệu múa. Với người Khmer, âm nhạc là linh hồn, là “Ðuôn p’ro lưn”. Khi nghe nhịp điệu tiết tấu của âm nhạc vang lên là trong lòng họ vang lên những lời ca thơ mộng, họ cất cao tiếng hát và hoà quyện cùng những điệu múa dân gian sôi động…

Người giữ hồn Khmer nơi đất Mũi

Một tiết mục của Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau

Nói đến âm nhạc là phải nói đến dàn nhạc và những nhạc cụ cấu thành nên dàn nhạc đó. Nhạc cụ truyền thống của đồng bào người Khmer có rất nhiều loại và được kết cấu thành nhiều dàn nhạc khác nhau như: dàn nhạc Khmer (Plêng Khmer), dàn nhạc Dù kê  (Plêng lakhon Bassak), dàn nhạc Ro bam, dàn nhạc ngũ âm (Plêng Pưn pet), dàn nhạc lễ cưới (Plêng ka), dàn nhạc Mahôri, dàn nhạc A-Reat, dàn nhạc Khlon Khech, dàn nhạc trống Chhay Dzăm, dàn nhạc trống lớn (Plêng Skô Thum)… Tuỳ theo cuộc lễ mà người Khmer lựa chọn sử dụng dàn nhạc với các nhạc cụ khác nhau để biểu diễn.

Dàn nhạc trống lớn là dàn nhạc đặc trưng được sử dụng có giai điệu buồn bã, tang tóc, tiết tấu chậm rãi, dìu dặt… Trong dàn nhạc trống lớn, bản thân chiếc trống lớn đóng vai trò rất quan trọng lúc diễn tấu, mỗi nhịp trống phát ra có âm thanh trầm và vang xa là để thể hiện sự rung động, cảm xúc xót thương một ai đó…

Người Khmer Cà Mau thường sử dụng dàn nhạc trống lớn trong các nghi lễ, lễ hội lớn ở chùa như: lễ An vị tượng Phật, lễ đắp núi cát ở đêm cuối Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ nhập hạ và ra hạ của các vị sư, lễ khánh thành ngôi tháp, lễ hội Ok Om Bok, lễ Sene Ðôlta, lễ vào chùa tu, Pithi chol A-Reat (lễ mời thần A-Reat), Neak ta, lễ cầu an trong salatel hoặc ở ngôi chùa… Nhìn chung, các nghi lễ, lễ hội lớn đều được sử dụng dàn nhạc trống lớn, đặc biệt là trong tang lễ.

Trước khi vang lên những âm thanh đầu tiên thì người đứng đầu dàn nhạc phải thiết lễ cúng các vị thần đất đai và thần A-Reak, Neak ta; các vị tổ nhạc đã qua đời; cúng xin phép biểu diễn âm nhạc tại nơi diễn ra cuộc lễ. Sau đó là đến phần diễn tấu, bắt đầu bài Kon-sene-kro-hom (chiếc khăn đỏ) và những bài tiếp theo (không bắt buộc đúng theo thứ tự) như bài Sun-Hao, Om-Tuk (bơi thuyền), Ðomrây-Dôđay, Sarây-sosơ, Tatel-chamchap, Sompôn-sot-thum, T’rơ-ney-T’rơ-ai… tuỳ theo nội dung cuộc lễ hội, lễ nghi và kết thúc bằng bài Khlon. Sau đó, người đứng đầu dàn nhạc lại phải cúng vái để kết thúc, cúng xong họ tiếp tục diễn tấu bài đưa tiễn gọi là Sa-đach-đơ (vua đi). Ðến đây họ xem như đã hoàn thành nhiệm vụ mà người chủ nhà, chủ lễ đã giao.

Thắp lên niềm đam mê cho giới trẻ

Trong nhiều năm trở lại đây, làn gió mới của các loại hình âm nhạc, giải trí hiện đại đã ùa vào các thôn ấp vốn rất yên bình của người Khmer và phần nào lấy đi những vốn văn hóa truyền thống được nhiều đời truyền giữ. Chính vì vậy mà Thạch Duyên không nề hà mỗi khi được bạn bè khắp nơi mời đến để truyền dạy âm nhạc và các điệu múa, lời hát mà ông đã kỳ công sưu tầm, biên soạn trong hành trang âm nhạc gần 40 năm của đời mình, dẫu thù lao cho cả tuần dạy lắm khi chỉ là những lời cảm ơn và cái bắt tay thật chặt.

Anh Hữu Kel, đội trưởng đội trống Sa-đăm của xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình nhớ lại ngày anh ôm những cặp trống đã hỏng đến tìm Thạch Duyên nhờ sửa chữa và làm thêm một số mới. Khi ấy, Thạch Duyên không chỉ nhiệt tình giúp anh sửa trống mà còn về thăm đội, góp ý thêm cho các tiết mục thêm hoàn thiện và tràn đầy âm hưởng rộn ràng của điệu múa trống Sa-đăm. Sau này, đội trống của những người nghệ sĩ chân đất ở ấp Cây Khô này đã trở thành đội văn nghệ nổi tiếng khắp vùng bởi lòng nhiệt thành biểu diễn “không công” và cả bởi chất lượng nghệ thuật được kiểm chứng qua nhiều kỳ hội diễn.

Với một phong vị rất riêng, những ca khúc do Thạch Duyên sáng tác đều được đông đảo khán giả đón nhận. Những yếu tố mới của âm nhạc cả nước được tích tụ, bổ sung vào cái truyền thống, khu biệt của người Khmer đã tạo nên hơi thở mới, nhịp đập mới trong tác phẩm. Nhiều văn nghệ sĩ còn nhận định, những tiết mục biểu diễn khắp các thôn ấp của Đội thông tin – văn nghệ Khmer Cà Mau do các nghệ nhân Thạch Duyên, Nguyễn Văn Tri dàn dựng đã cho thấy hình ảnh người Khmer ngày một giàu có, sung túc và càng thêm tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Anh Thạch Keo Rươl, một nhạc công của đội sẽ luôn ghi nhớ rằng, tài đàn, tài trống của anh cũng như nhiều anh em khác trong đội là do sự dẫn dắt, chỉ bảo của anh Ba Duyên. Còn tôi, khi tiễn Thạch Duyên cùng đội văn nghệ của anh xuống những chiếc vỏ lãi mỏng manh sẽ đi qua biết bao kinh rạch dọc ngang của vùng đất cuối trời Tổ quốc để đem lời ca, tiếng hát đến phục vụ đồng bào, tôi sẽ nhớ mãi lời anh nói khi ấy, rằng: “Biểu diễn cho bà con cũng là biểu diễn cho chính mình, cho người thân của mình”.

Rồi niềm vui đến với Thạch Duyên và anh em nghệ sỹ trong Đội Thông tin - Văn nghệ Khmer nói riêng và bà con đồng bào dân tộc Khmer Cà Mau nói chung, đó là khi Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Ðề án "Nâng cấp Ðội Thông tin - Văn nghệ Khmer thành Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau”. Kể từ đó, Thạch Duyên cùng với anh em nghệ sỹ không ngừng phấn đấu, trau dồi chuyên môn mang đến những tiết mục, vở diễn ấn tượng trong lòng khán giả. Những tiết mục, vở diễn ấy không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh đối với đông đảo quần chúng nhân dân.

Nam Hoàng