Sẽ thanh tra doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động
Tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) gây thiệt thòi cho người lao động. Cần tăng nặng chế tài xử lý đối với hành vi này, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính nhẹ chưa đủ sức răn đe
Theo số liệu thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam, tỉ lệ số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) so với số tiền phải thu giảm dần qua từng năm.
Cụ thể, năm 2016 chiếm 3,75%, đến năm 2022 là 2,91% và năm 2023 là 2,69%, nhưng đến năm 2023, con số này lại tăng lên đến trên 13 nghìn tỉ đồng (bao gồm cả tiền lãi chậm đóng).
Mặc dù, thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan chức năng đã đưa ra những giải pháp ngăn chặn, song thực tế vẫn còn tồn tại không ít rào cản khiến cho tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Theo các cơ quan chức năng, Điều 216, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định tội trốn đóng BHXH nhưng trên thực tế, không truy tố được người sử dụng lao động do các doanh nghiệp chỉ nợ BHXH, không trốn đóng BHXH. Trong khi biện pháp xử lý doanh nghiệp nợ BHXH chỉ là xử phạt hành chính, mức xử phạt thấp, không đủ sức răn đe…
Việc xử lý hành vi trốn đóng BHXH hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là khó khăn trong việc xử lý và thi hành quyết định xử phạt. Những trường hợp này, các cơ quan chức năng có thẩm quyền phát hiện để xử lý đã khó, nhưng khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính rồi thì việc thi hành lại càng khó hơn.
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt đối với hành vi này còn quá nhẹ, chưa đủ nghiêm để răn đe và giáo dục. Có trường hợp doanh nghiệp tuyên bố phá sản, thay đổi pháp nhân hoặc dừng hoạt động để né tránh nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện đối với người lao động.
Đối với những chế tài hiện nay, đặc biệt là về hành chính, chưa đủ sức răn đe. Việc quy định mức phạt trần tối đa 75 triệu đồng có thể bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp có đông lao động, số tiền phải đóng BHXH mỗi tháng khoảng vài tỷ đồng. Nếu không đóng BHXH trong vài tháng, số tiền doanh nghiệp chiếm dụng được lên đến cả chục tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp chỉ mất 75 triệu đồng để đóng phạt, doanh nghiệp vẫn lời to, chỉ có người lao động là thiệt thòi.
“Công cụ” bảo vệ quyền lợi của người lao động
Do đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung quy định xử lý tình trạng này.
Theo Luật BHXH 2024, biện pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH gồm: Bắt buộc đóng đủ số tiền BHXH chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Riêng đối với hành vi trốn đóng BHXH còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 216, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người có hành vi vi phạm có thể phải chịu phạt tiền, đi tù đến 7 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể bị phạt tới 3 tỷ đồng.
Có ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, bên cạnh khởi kiện dân sự, xử lý hình sự, rất cần có những biện pháp mạnh tay hơn, đánh thẳng trực tiếp vào đội ngũ quản lý doanh nghiệp như: cấm xuất cảnh trong thời hạn nhất định; không vinh danh, không khen thưởng đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm, công khai danh sách doanh nghiệp nợ đọng BHXH lên cổng thông tin, doanh nghiệp, nợ bảo hiểm 6 tháng trở lên sẽ đưa vào dạng thanh tra.
Ngoài ra, đánh trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu đến mức tối đa tình trạng chậm, trốn đóng BHXH cho người lao động.
Mặt khác, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, không kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Ngoài ra, Luật quy định cơ quan bảo hiểm xã hội công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Cơ quan bảo hiểm xã hội gửi thông tin về người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và cơ quan thanh tra có liên quan để xem xét xử lý theo thẩm quyền.