Tuyên Quang: Vì sao Nhà Văn hóa thôn Đèo Mủng xây xong nhưng không ai sử dụng?
Phần đất vốn dự kiến để làm nhà văn hóa của thôn đã bị nhiều hộ dân lấn chiếm, xây dựng kiên cố nhưng không được ngăn chặn, xử lý dứt điểm dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Đất dự kiến làm nhà văn hóa thôn bị lấn chiếm?
Đầu tháng 10/2024, Báo Công lý nhận được đơn của ông Trương Quang Minh - Bí thư kiêm Trưởng thôn Đèo Mủng kèm theo danh sách chữ kí của 72 người dân phản ánh vụ đất nông nghiệp bị lấn chiếm, xây dựng trái phép tại xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Theo đơn, từ nhiều năm trước, khi khu đất còn là của Hợp tác xã (HTX) Đèo Mủng, thuộc thửa đất số 35, tờ bản đồ số 19, địa chỉ soi Cây Lai, HTX Đèo Mủng đã cho một số hộ dân mượn một phần đất để canh tác. Theo biên bản họp thôn ngày 28/3/1999 thống nhất chỉ cho các hộ dân này mượn tạm thời một phần để trồng màu, khi nào địa phương có nhu cầu sử dụng thì phải trả lại đất cho tập thể.
Tuy nhiên, không chỉ canh tác mà các hộ dân này còn xây dựng nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp. Năm 2012, thôn Đèo Mủng đã có ý kiến với UBND xã Xuân Vân đề nghị xử lý các hành vi lấn chiếm xây dựng trái phép và trả lại đất cho thôn để xây dựng nhà văn hóa thôn, trường mầm non và khu thể thao cho cộng đồng nhưng các hộ này đã không thực hiên.
Ông Trương Quang Minh - trưởng thôn Đèo Mủng, cho biết: Người dân đã nhiều lần gửi đơn thư khiếu nại, yêu cầu giải quyết tình trạng lấn chiếm này để trả lại không gian nhà văn hóa cho cộng đồng. Nhưng qua 10 năm, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Minh cho biết, năm 2019, người dân nhận được Thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 216 của UBND huyện Yên Sơn với kết luận như sau: Trên cơ sở kết quả xác minh nội dung tố cáo, UBND huyện xác định nội dung tố cáo một số hộ gia đình xây dựng trên một phần diện tích thửa đất số 35 tờ bản đồ số 19 soi Cây Lai thôn Đèo Mủng xã Xuân vân là tố cáo đúng.
Trách nhiêm thuộc về UBND xã Xuân Vân giai đoạn 2013 – 2014. Trong quá trình kiểm tra, xử lý đã không kiên quyết, kịp thời ngăn chặn để một số hộ dân tự ý xây dựng các công trình trên một phần của thửa đất số 35, tờ bản đồ số 19.
Huyện cũng đã chỉ đạo UBND xã Xuân Vân kiểm điểm làm rõ và xem xét xử lý kỷ luật (nếu có vi phạm) đối với Chủ tịch UBND xã và cán bộ Địa chính xây dựng (giai đoạn 2011-2016) đã thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, đối với các hộ dân vi phạm. Xây dựng nhà ở trái phép trên đất khi chưa được các cấp có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở theo quy định.
Người dân "quay lưng" với Nhà văn hóa xây ở vị trí khác
Đáng chú ý, trong Thông báo số 216, UBND huyện Yên Sơn lại cho rằng các hộ gia đình nói trên đã sử dụng đất vào việc canh tác ổn định từ năm 1983 đến nay nên đủ điều kiện để xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, không có căn cứ xem xét thu hồi phần diện tích đất của các hộ gia đình đang sử dụng tại thửa đất số 35, tờ bản đồ số 19 ở soi Cai Lậy.
Ông Trương Quang Minh - trưởng thôn Đèo Mủng cho rằng, Kết luận như thế là vô lý bởi suốt nhiều năm qua người dân liên tục lên tiếng gửi kiến nghị đến các cấp để đòi đất về cho thôn thì không thể nói là ổn định được. Cũng theo ông Minh, khi họp để lấy ý kiến đồng thuận thì cả thôn đã không có một ai đồng ý, mọi người đều khẳng định những hộ dân này đang lấn chiếm và xây dựng trái phép. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có cơ quan nào cấp quyền sử dụng đất cho những hộ nêu trên, nhưng đã có ít nhất là 7 ngôi nhà trong đó có 6 ngôi nhà xây dựng kiên cố, mà không hề bị xử lý hay ngăn chặn.
Đáng chú ý, sau khi giải quyết đơn thư của người dân thì UBND huyện Yên Sơn cũng đã đầu tư cho thôn Đèo Mủng một nhà Văn hóa theo chương trình 135 ở một vị trí đất khác. Do thôn lúc ấy chưa có quỹ đất nên tiến hành xây dựng trong khuôn viên khu đất đã được cấp quyền sử dụng đất cho trường Tiểu học Xuân Vân. Do không nhận được đồng thuận từ phía người dân nên sau khi Nhà văn hóa mới được xây dựng xong thì người dân trong thôn không ai tới nhà văn hóa họp mà đề nghị phải làm sáng tỏ vụ việc.
Trước tình trạng trên, Bí thư kiêm trưởng thôn đã nhiều lần đưa vấn đề lên các cơ quan chức năng từ cấp xã, huyện cho đến tỉnh, với mong muốn nhận được sự vào cuộc của chính quyền để giải quyết vụ việc.
Trao đổi với PV Báo Công lý, ông Lê Hồng Việt – Bí thư, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết: Sự việc xảy ra từ năm 2014, khi đó một số hộ dân có hành vi lấn chiếm đất của HTX Đèo Mủng nên từ ngày đó Trưởng thôn có ý kiến, huyện và xã đã tới giải quyết và các cấp đều có văn bản trả lời rồi. Sau khi giải quyết đơn thì huyện đã đầu tư cho thôn Đèo Mủng một nhà Văn hóa theo chương trình 135. Do thôn lúc ấy chưa có quỹ đất nên tiến hành xây dựng trong khuôn viên của trường học, nơi đã được cấp quyền sử dụng đất cho trường Tiểu học Xuân Vân. "Khi xây dựng xong thì ông trưởng thôn không đưa dân vào họp nên mới để hoang như vậy. Sau đó nhà trường đã ngăn đôi nhà văn hóa này ra lấy một nửa làm phòng học và sự việc tồn tại đến bây giờ", ông Việt nói.
Trả lời câu hỏi, nếu người dân vào nhà Văn hóa để họp thì có ảnh hưởng gì tới các hoạt động của nhà trường không? Việc ngăn nhà Văn hóa làm lớp học là do nhà trường thiếu phòng để giảng dạy hay lí do gì? Ông Bùi Bá Tâm – Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Vân cho hay: Thực tế nếu họp dân vào ngày giờ hành chính thì cũng ảnh hưởng đến học sinh vì nhà Văn hóa và trường học cùng nằm chung một mảnh đất, còn nếu họ họp dân vào các ngày nghỉ không sao. “Việc ngăn nhà Văn hóa làm lớp học là có từ trước, tôi mới về nhận công tác ở đây thôi”, ông Tâm nói.
Người dân địa phương mong muốn cơ quan chức năng cần sớm có phương án giải quyết dứt điểm tình trạng này để người dận được yên tâm thụ hưởng và có được nơi sinh hoạt cộng đồng đúng nghĩa. Hơn nữa, việc để tình trạng lấn chiếm kéo dài suốt hàng chục năm như vậy không chỉ gây bức xúc cho bà con mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.