Tin địa phương

Thái Nguyên: Điểm sáng trong thu hút đầu tư của Việt Nam

Anh Đức 14/10/2024 - 19:00

Với vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng hiện đại và các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, tỉnh Thái Nguyên đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

anh-1(1).jpg
Khu công nghiệp Yên Bình tỉnh Thái Nguyên.

Điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài

Thái Nguyên được biết đến là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục và y tế của khu vực Việt Bắc. Tỉnh Thái Nguyên nằm trong vùng quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đóng vai trò là "cửa ngõ" giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng Trung du miền núi và vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Đặc biệt trong những năm gần đây, Thái Nguyên đã nổi lên là một "điểm sáng" trong thu hút đầu tư của Việt Nam. Thái Nguyên hiện có 11 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 4.245 ha và 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha. Đây là tiền đề để Thái Nguyên thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, dịch vụ, và các dự án về đào tạo nhân lực, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.

Với cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn, điều kiện đất đai, hạ tầng và môi trường thuận lợi, cùng với sự năng động, hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, Thái Nguyên đã tạo ra sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các số liệu thực tế cho thấy hiệu quả của những nỗ lực này. Năm 2021, Thái Nguyên đã thu hút hơn 920 triệu USD vốn FDI, trong đó có các dự án lớn từ tập đoàn Samsung. Năm 2022, tổng vốn FDI đạt hơn 1,3 tỷ USD, đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2023, tỉnh này tiếp tục thu hút thêm khoảng 900 triệu USD vốn FDI, tập trung vào mở rộng các nhà máy sản xuất điện tử và một số dự án mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đến năm 2024, Thái Nguyên dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, hướng tới các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo và logistics.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 218 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 11,2 tỷ USD. Các dự án FDI đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến. Kết quả này đã đưa Thái Nguyên vào top 10 tỉnh, thành phố của cả nước về thu hút vốn FDI.

anh-2.jpg
Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND Thái Nguyên và Tập đoàn Sunny Optical Technology. (Ảnh: thainguyen.gov.vn).

Cam kết của chính quyền địa phương

Sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung không chỉ đóng góp chủ lực cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thái Nguyên, mà còn tạo ra "làn sóng" đầu tư mới cho tỉnh này. Các nhà đầu tư chiến lược đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... liên tiếp ký kết các thỏa thuận hợp tác với tỉnh thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên luôn xác định doanh nghiệp là "người bạn đồng hành", vừa là động lực vừa là nội lực để phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền tỉnh Thái Nguyên cam kết mạnh mẽ và quyết liệt về chính sách thu hút đầu tư, với quan điểm nhất quán là tạo điều kiện và ứng xử công bằng với tất cả các nhà đầu tư, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án.

Bên cạnh các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, Thái Nguyên còn tích cực đẩy mạnh phát triển công nghiệp, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; thu hút đầu tư, đôn đốc hoàn thiện thủ tục, thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Tỉnh này cũng chú trọng quảng bá lợi thế, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình, hội thảo xúc tiến đầu tư và thương mại.

Với tư duy đổi mới và tầm nhìn dài hạn, Thái Nguyên đang trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư của Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là tiền đề vững chắc để Thái Nguyên bước vào một giai đoạn phát triển mới, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, logistics và dịch vụ hàng đầu của cả nước.

Anh Đức